Snack's 1967

Đề: Vì sao trẻ vị thành niên dễ sa ngã?




Đề: Vì sao trẻ vị thành niên dễ sa ngã?


Bài làm









“Con đang ở đâu, về gấp, mẹ đau nặng, mọi lỗi lầm cha mẹ sẽ tha thứ…”. Những câu như vậy ngày nào cũng thấy trên báo chí, ti vi, nghe thật não nề. Rồi thỉnh thoảng trên báo lại có bài, tin về các cô cậu thanh niên gây án. Có nhiều vụ vừa nghe qua người lớn không khỏi giật mình bởi tính chất côn đồ, liều lĩnh của trẻ phạm tội vị thành niên. Một câu hỏi bức thiết đặt ra cho toàn xã hội “Vì sao trẻ vị thành niên dễ sa ngã?”.


Câu hỏi đó, vấn đề ấy rất đáng suy nghĩ trong cuộc sống ngày nay khi mà những tệ nạn xã hội, như người nghiện ma túy phần lớn là thanh thiếu niên, xu hướng chung của chúng là tự tách mình ra khỏi xã hội người lớn, tập hợp với nhau tạo ra một nền văn hóa xã hội đối nghịch. Đó là đặc điểm nổi bật của sự sa ngã ở trẻ vị thành niên đầu thế kỉ XXI, của cả thế hệ thanh thiếu niên để tự khẳng định mình, đồng thời phủ định và phủ nhận cả một xã hội văn hóa mà cha anh dựng nên.


Vậy vì sao trẻ vị thành niên lại thích bỏ nhà để đi bụi hặc phạm tội trong khi đáng lẽ thời gian ấy các bạn đó được ngồi trong lớp học hoặc được chăm sóc trong vòng tay bố mẹ? Theo các nhà tâm lí giáo dục thì tuổi vị thành niên là quãng thời gian các bạn trẻ có những thay đổi lớn về tâm sinh lí, thích làm người lớn và muốn được tôn trọng chứ không chịu bị xem là nhóc con. Thế mạnh ở giai đoạn này là các bạn có ý thức tự lập, đó là hành vi bắt chước người lớn. Những hành vi xấu như hút thuốc, uống rượu, chửi thề,… lại dễ hấp dẫn trẻ. Chúng cũng ra quán nhậu cụng li, ngả nghiêng say xỉn như ai. Chẳng qua giai đoạn này trẻ thích tỏ ra người hùng, rất dễ cuốn vào những thói hư tật xấu và nạn bạo hành. Cũng để giống người lớn, trẻ vị thành niên thích cặp bồ, thích tỏ ra “ga lăng” với bạn gái và muốn có nhiều tiền để tiêu xài. Theo bà Nguyễn Thị Hòa Minh – Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lí giáo dục gia đình và thanh thiếu niên, giai đoạn trẻ không còn con nít nhưng cũng chưa phải là người lớn thường có tâm lí rất phức tạp nên gia đình và xã hội phải có sự nhạy cảm tế nhị, hiểu trẻ và đặc biệt là tôn trọng, biết cách phân tích nhẹ nhàng. Nguyên nhân trẻ bỏ nhà đi gây án hoặc tự tử thường xuất phát từ những bất đồng giữa trẻ và người lớn: như trẻ bị đánh đập, la mắng, xúc phạm,… Chúng ta vẫn chưa quên sự việc đau lòng vừa xảy ra ở Hải Dương khi năm nữ sinh cột tay nhau tự tử tập thể. Nguyên nhân được làm rõ từ những trang nhật kí của các em, chủ yếu là sự phản ứng trước sự thờ ơ của người lớn. Rất nhiều bạn trẻ đã tâm sự: “Mẹ nói quá nhiều, tại sao mẹ cứ theo dõi từng chút rồi cằn nhằn mình. Nói một lần mình còn lắng nghe, nhắc lại lần hai, lần ba mình cứ muốn bỏ nhà đi cho đỡ đau đầu”. Cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái cũng tạo ra cú sốc tâm lí gây ảnh hưởng xấu. Dưới con mắt các em thì “cãi nhau, ghét nhau như thế thì không biết họ lấy nhau để làm gì?”. Những hành vi của người lớn đều được trẻ vị thành niên phân tích theo cách riêng mà thường là rất đặc biệt. Tâm lí nổi loạn ở trẻ vị thành niên rất cao nên những suy nghĩ ấy của các em được giấu kín, không nói với cha mẹ mà chỉ bộc lộ qua phản ứng đối chọi với người lớn, sau đó là lối sống phiêu lưu, theo lời rủ rê của bạn bè, sa đà vào các tệ nạn xã hội (ma túy, cướp của, giết người, mại dâm, lừa đảo,…).


Vậy chúng ta phải làm gì để ngăn chặn những tệ nạn khủng khiếp xuất phát từ trẻ vị thành niên? Điều đó quả là không đơn giản nhưng không phải không ngăn ngừa được. Trước tiên, các bậc phụ huynh phải biết lắng nghe, làm bạn với con cái, tạo không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc, tránh kiểu giáo dục áp đặt và dùng roi vọt đối với con trẻ, phải sắp xếp thời gian để gần gũi con cái, biết dùng lời khen khích lệ khi trẻ làm được việc tốt. Việc tìm đến các trung tâm tư vấn cũng như tham gia các lớp học làm cha, làm mẹ là điều rất cần thiết đối với các bậc phụ huynh. Đối với các trường học phải khắc phục việc nhồi nhét kiến thức trừu tượng; dành chỗ cho văn nghệ thể thao, cho thủ công, máy móc và công nghệ, giúp cho thanh thiếu niên vui vẻ hợp tá với nhau.


Có như vậy, mới khắc phục được tình trạng sa ngã ở trẻ vị thành niên. Cả xã hội, gia đình và bản thân chúng ta phải cùng nhau cố gắng.


Trần Thu Nga


(Trường THCS Ngô Sĩ Liên)


 



, , , , , , , , ,

Cho chúng tôi biết ý kiến của bạn?
Khi đã quen với ấm áp rồi thì cái rét trở nên không chịu nổi.
Ngạn ngữ Nga
Quan Tâm ?
Ngẫu Nhiên