Duck hunt

Đê: kể chuyện về thăm trường xưa




Đề: kể chuyện về thăm trường xưa.


Bài làm









Mùa thu, tiết trời se lạnh, lá vàng theo gió bay bay rải thảm xuống mặt đường. Thế là đã hai mươi năm trôi qua. Hôm nay, ngày hội trường, lớp 9H chúng tôi hẹn nhau cùng về thăm lại trường xưa.


Đêm trước ngày hội ngộ, tôi cứ thấp thỏm không yên, nào sợ nhỡ ngày mai mình có việc đột xuất, nào sợ nhỡ ngày mai mình ốm,… Thế rồi, trời sáng từ lúc nào. Tôi vội vã đến trường, lòng tôi lại rộn lên một cảm giác khó tả. Và rồi ngôi trường THCS Lê Quý Đôn cũng đã hiện ra trước mặt. Hàng chữ “Trường THCS Lê Quý Đôn” màu đỏ không khỏi khiến ta bị thu hút. Ở góc biển có một chiếc camera nhỏ màu đen. Tôi gặp bác bảo vệ. Tôi mừng quá. Vẫn bác bảo vệ ấy, người đã từng đuổi theo những đứa học trò trèo tường vì đi học muộn, người đã từng đau đầu vì những trò nghịch như quỷ của lũ học sinh, giờ đã già biết bao. Lưng bác đã hơi còng, dáng đi lom khom và tóc thì bạc trắng. Bác tươi cười đáp lại lời chào của tôi. Tôi lén nhìn vào phòng bác, giờ đã được trang bị hiện đại, có ti vi, có cả điều hòa và máy tính.


Bước qua cổng, tôi đi một vòng quanh trường. Ngôi trường mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn hiện lên sừng sững với bốn tòa nhà năm tầng. Những dãy nhà hai tầng trước kia nay đã biến mất. Dưới nắng mai, ngôi trường thật bề thế, uy nghi. Sân trường giờ là một thảm cỏ xanh um với những lối đi sỏi trắng tỏa ra nhiều hướng. Những cây phượng vĩ, xà cừ cành lá xum xuê. Chợt nhớ ra một điều, tôi chạy lại bên một cây phượng. Thân cây phồng lên bởi nhiều nét chữ. Cuối cùng tôi cũng tìm được dòng chữ mà hồi xưa tôi và đám bạn lén khắc: “Nhớ mãi Lê Quý Đôn”.


Tôi bước lên cầu thang. Qua hành lang, tôi liếc nhìn vào các lớp học. Các phòng học đều rộng rãi, thoáng mát và được trang thiết bị hiện đại. Phòng nào cũng có máy chiếu, ti vi, điều hòa. Cứ hai em học sinh một bộ bàn ghế. Trên tường treo các bức tranh, các mặt nạ các em tự vẽ, tự làm. Tôi lại nhớ về tiết mĩ thuật hồi trước, chúng tôi làm mặt nạ từ những chiếc rổ tre sau đó sơn bằng màu nước. Khi sơn, chúng tôi nghịch, vẩy vào người, vào mặt nhau, thậm chí làm bắn cả lên quần áo cô giáo bị cô ghi vào sổ đầu bài rồi bắt viết bản kiểm điểm. Tôi nhớ có lần không thuộc bài, tôi trốn bằng cách ngồi thu lu dưới gầm bàn… Rồi cả những lần giấu dép của các bạn nam khi các bạn đang chơi đá bóng… Nhớ lại cái thời “Nhất quỷ nhì ma” ấy tôi cứ buồn cười. Sao hồi ấy mình trẻ con thế nhỉ? Cuối cùng tôi dừng lại ở lớp 9H, lớp mà cách đây 20 năm tôi đã ngồi trong đó. Một chút bâng khuâng nghẹn ngào dâng trào. Lay tay đẩy cửa lớp, đứng áp lưng vào tường, tôi bồi hồi suy nghĩ. Vẫn biết thời gian trôi đi là không quay trở lại nhưng sao tôi vẫn mong một lần nữa được học tập, vui chơi dưới mái trường, được làm cô học trò nhỏ vui sướng khi được điểm 10, ỉu sìu khi bị điểm kém.


Tôi ra ngoài cổng trường đón các bạn. Từ xa tôi đã thấy cái dáng đà điểu cao kều của Đức Quân. Theo sau là mấy bạn nữa. Lớp tôi đến khá đông đủ, ai nấy đều tay bắt mặt mừng. Chúng nó đem hết mọi chuyện của mình ra kể. Cái Hà B, đứa được coi là nhu mì, hiền lành, ít nói nhất lớp nay thay đổi 180 độ. Nó là kế toán cho một công ti nước ngoài. Đã có hai con. Còn cái Trà giờ là một stylist nổi tiếng, chuyên thiết kế trang phục cho người mẫu. Lanh chanh nhất vẫn là Thế Hưng, lúc nào cũng liến thoắng, thế mà nó là chuyên viên kinh tế cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đấy. Đức Quân không thay đổi nhiều lắm, vẫn cao lêu đêu, cử chỉ điệu bộ như ông cụ non. Cuộc gặp vui hơn khi Lê Trang – Quốc Tuấn dẫn theo con gái tới. Hai đứa ngày xưa ghét nhau thế mà sau lại bén duyên nhau, lạ thật. Còn nhìn thấy Thu ai nấy đều áy náy. Khuôn mặt Thu hốc hác, người gầy rạc, khắc khổ. Nghe nói cuộc sống của Thu không được suôn sẻ. Chẳng ai dám hỏi, sợ Thu chạnh lòng.


Bỗng một hồi tróng vang lên. Đã bao năm qua đi, hôm nay nghe lại tiếng trống trường tôi bõng thấy xốn xang, bồi hồi. Học sinh trong trường nhanh chóng đứng vào hàng ngũ. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn lên sân khấu, cô tổng phụ trách giờ là Minh Anh “xù”. Thảo nào nó bảo sẽ dành cho chúng tôi một sự ngạc nhiên. Tiếng Minh Anh chợt vang lên: “Toàn trường đứng dậy làm lễ chào cờ. Nghiêm… Nghỉ… Thôi”. Chúng tôi đưa mắt nhìn về phía đại biểu. Bây giờ có nhiều thầy cô mới. Kia rồi, cô Quyên chủ nhiệm của chúng tôi cũng có mặt. Hết phần nghi lễ, chúng tôi chạy lại phía cô. Cô dạo này gầy và xanh quá, lưng còng, tóc trắng xóa. Đám con gái sụt sùi nắm lấy tay cô. Cô chẳng quên ai cả, cả những “tật” nhỏ của mỗi người. Cô trò cùng nhau ôn lại những kỉ niệm cũ. Những chuyện buồn ngày xưa, giờ nhắc lại chỉ thấy bùi ngùi, thậm chí còn vui vui nữa.


Đã đến lúc phải chia tay, chúng tôi trao cho nhau địa chỉ, hẹn năm sau gặp lại. Với tôi, tuổi học trò là tuổi đáng yêu nhất. Tôi biết ơn các thầy cô đã vất vả dạy bảo chúng tôi nên người. Mong sao các thế hệ sau hãy luôn là trò giỏi, con ngoan để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ.


 



, , , , , , , , ,

Cho chúng tôi biết ý kiến của bạn?
Chân giá trị của mỗi người không nằm trong bản thân anh ta, mà nằm ở những sắc màu và đường nét đã trở nên sống động trong người khác.
The true worth of a man is not to be found in man himself, but in the colours and textures that come alive in others.
Albert Schweitzer
Quan Tâm ?
Ngẫu Nhiên