Bài viết
Quan Âm Thị Kính là một vở chèo cổ được nhân dân ta vô cùng ưa thích. Vở chèo xoay quanh nỗi oan khuất và phẩm chất cao đẹp của nhân vật Thị Kính (sau có pháp hiệu là tiểu Kính Tâm). Nỗi oan ấy bắt đầu từ án giết chồng và đó cũng là bước ngoạt cuộc đời của người con gái ngoan hiền và hiếu thảo.
Trích đoạn Nỗi oan hại chồng là phần đầu của vờ chèo Quan Âm Thị Kính. Đoạn trích có năm nhân vật nhưng xung đột kịch chủ yếu thể hiện qua hai nhân vật Thị Kính và Sùng Bà. Sùng Bà là nhân vật độc ác nên ngôn ngữ, cử chi, hành động của nhân vật đều rất tàn nhẫn và độc địa. Cách đối xử của mụ đối với con dâu cho thấy rất rõ sự phân biệt giữa sang trọng với thấp hèn. Cách đối xử ấy là cách đối xử của những kẻ quen thói cửa quyền, quen thói hà hiếp người ăn kẻ ở. Thị Kính trong màn kịch ấy cũng không khác gì một kẻ nô bộc lỡ gây chuyện sai lầm trong nhà của chủ nhân.
Theo dõi những lời đối thoại của Sùng Bà, chúng ta có thể thấy nó chẳng khác gì những lời phán quyết nhẫn tâm của một vị quan toà mà không cần nghe một lời nào phân bua phải trái. Mụ mạt sát Thị Kính là mặt sứa gan lim, là tuồng mèo mả gà đồng, là kẻ hư hỏng say hoa đắm nguyệt, là gái say trai lập chi giết chồng… Và chỉ vì chẳng có điểm nào có thể xứng với giống công giống phượng nhà bà nên từ cái sự việc rất nhỏ bé kia bà rũ sạch đi ở Thị Kính tất cả tam tòng tứ đức. Bà một mực đẩy cho bằng được cô con dâu chẳng may rơi vào cái cảnh tình ngay lí gian ra khỏi nơi danh tộc cao quý nhà bà. Thậm chí ngay trước mặt người con dâu khốn khổ, bà nói với Thiện Sĩ bao lời khiến Thị Kính phải đau đớn, xót xa: Thôi con vào rửa mặt, rồi đây mẹ lấy cho dăm vợ, tiếc gì cái đồ sát chồng kia nữa. Trái ngược với những lời cay nghiệt của bà mẹ chồng thì Thị Kính ra sức kêu oan. Nỗi oan của Thị Kính đáng kêu lắm chứ! Rõ ràng hành động của Thị Kính là mong muốn mang điều tốt đẹp đến cho chồng. Vậy mà giờ đây, tình thế đã hoàn toàn đổi ngược: Thị Kính trở thành một kẻ xấu xa trong mắt của bố mẹ chồng.
Trong đoạn trích, người ta thấy Thị Kính kêu oan đến năm lần. Trong đó có tới bốn lần tiếng kêu oan của nàng hướng đến mẹ chồng và người chồng mà nàng hằng yêu quý. Thế nhưng cả bốn lần kêu oan đều vô ích. Bà mẹ chồng thì quá là tàn ác còn Thiện Sĩ lại là một kẻ nhu nhược đớn hèn, vì thế mà tiếng kêu của Thị Kính chỉ là những lời tự xót thương. Lần thứ năm, tiếng kêu của nàng mới tìm được sự cảm thông chia sẻ. Nhưng hỡi ôi! Sự cảm thông của Mãng ông lúc ấy cũng chẳng cứu vớt được điều gì.
Bi kịch của Thị Kính là bi kịch của con người bị đẩy vào con đường cùng, không có cách nào hay nói đúng hơn là không có cơ hội để được minh oan. Việc Thị Kính tìm đến cửa thiền tuy là một cách giải thoát. Thế nhưng nó cũng chứng tỏ người phụ nữ này chưa đủ sức, chưa đủ bản lĩnh để vượt lên hoàn cành, vượt lên trên sự vùi dập của xã hội đối với bản thân mình.
Thành ngữ Oan Thị Kính ra đời khi vờ chèo cổ Quan Âm Thị Kính được diễn đi diễn lại. Nó dùng để nói về những nỗi oan ức đến cùng cực không có cách nào để giãi bày. Tất nhiên sau nỗi oan hại chồng, sau này Thị Kính còn bị đầy vào nỗi oan lớn khác và cũng không có cách nào cỡi bỏ – đó là nỗi oan khi bị đổ hoạ hoang thai.
Quan Âm Thị Kính là vờ chèo đậm tính nhân văn. Nó châm biếm, đả kích mạnh mẽ những điều xấu xa trong xã hội. Đồng thời, nó cũng thể hiện sự cảm thông chia sẻ với nỗi đau của những người lao động, nhất là những người phụ nữ bị trăm ngàn đè nén trong xã hội phong kiến ngày xưa.
Thà mạo hiểm cứu vớt một kẻ phạm tội còn hơn lên án một người vô tội.
Il vaut mieux hasarder de sauver un coupable plutôt que de condamner un innocent.
Voltaire