Đề bài: Mùa xuân là Tết trồng cây – Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Bác Hồ muốn khuyên, dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất nước lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước?
Bài viết
Hằng năm, cứ vào mỗi độ xuân về Tết đến, mọi người lại nô nức tham gia Tết trồng cây. Tuy là ngày hội được khởi xướng gần đây nhưng nó đã trở thành một trong những phong tục tốt đẹp của dân tộc để góp vui với mùa xuân đất trời, mùa xuân của đất nước.
Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Mùa xuân năm 1960, trong không khí sôi động của cao trào xây dựng đất nước, Hồ Chủ Tịch đã khởi xướng Tết trồng cây. Đây là ngày hội mới gắn với xã hội mới, thời cơ vận hội mới. Lúc còn sống, dịp Tết cổ truyền mỗi năm, Người đều đi trồng cây. Giờ đây, khi người đã đi xa thì người trồng cây chính là nhân dân Việt Nam để gìn giữ phong tục tốt đẹp này và tưởng nhớ vị cha già dân tộc. Ngày hội được đón nhận và hưởng ứng một cách rộng rãi khắp cả nước khác nào hội đền Hùng, hội Chùa Hương, hội gò Đống Đa… vốn đi vào đời sống nhân dân.
Thực ra, chúng ta không nhất thiết phải đợi đến mùa xuân thì mới trồng cây. Song, gắn việc trồng cây với mùa xuân, với không khí vui như hội của ngày Tết, Bác đã làm cho việc trồng cây trở nên sôi nổi, ý nghĩa không thể thiếu lúc đầu xuân. Làm cả năm bận rộn, Tết là dịp mọi người quây quần bên nhau. Hòa vào ngày hội trồng, chúng ta sẽ hiểu thêm, thêm yêu quý những người quanh ta, đoàn kết nhau lại vì công việc chung, vì lợi ích chung của xã hội. Đây cũng là lúc ta được thả hồn thư thái với thiên nhiên, quý trọng thiên nhiên. Thiên nhiên cũng như người bạn của con người. Con người khai thác từ đó một phần của cải vật chất cho xã hội. Vì vây, giữ gìn, bảo vệ và làm giàu thêm cho người bạn thiên nhiên chính là nghĩa vụ và trách nhiệm to lớn mà con người phải gánh vác.
Trong mùa xuân của đất trời ấy, việc trồng cây đã góp phần làm nên mùa xuân của đất nước. Xuân của đất nước không chỉ có ý nghĩa là mùa xuân trong năm mà nó là sự tươi trẻ, tràn đầy sức sống. Mỗi người chỉ cần trồng một cây xanh thì đất nước này sẽ tràn ngập trong màu xanh, tràn ngâp trong sự tươi trẻ và sức sống. Cây xanh cung cấp gỗ – nguồn tài nguyên vô cùng phong phú. Từ gỗ, ta có thể sản xuất ra biết bao vật dụng hữu ích phục vụ con người, nó còn là nguồn hàng xuất khẩu – cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản, làm giàu đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Chẳng có tấm lá chắn nào bảo vệ chúng ta khỏi thiên tai hiệu quả bằng cây xanh. Cây giữ nước, giữ chất màu giúp đất khỏi nạn xói mòn, giúp điều hòa khí hậu. Hàng cây xanh giống như những chiến sĩ hiên ngang ngày đêm canh giữ vùng bờ biển, che chắn bảo vệ đồng lúa, làng mạc, hạn chế tình trạng sa mạc hóa, ngập mặn của đất, tránh cho đất nước những tổn hại về người và của cũng góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước. Thật thú vị nếu mỗi trưa hè oi ả chói chang nắng mà được đạp xe dưới con đường rợp bóng cây xanh và du dương tiếng ve, tiếng chim chóc, tạo thành bản hợp xướng tuyệt diệu của thiên nhiên. Mọi căng thẳng mệt mỏi sẽ bị xua tan nhanh chóng, thay vào đó chỉ còn những giây phút thư thái ngất ngây của tâm hồn. Nếu không có những chiếc lá vàng nhỏ bé lìa cành, làm sao có mùa thu thơ mộng để các thi sĩ dạt dào cảm hứng thi ca? Khi tan biến, khi hòa vào đất, chúng lại trở thành nguồn dưỡng chất góp phần nuôi dưỡng sự sống cho cây. Cây cối còn ban tặng cho chúng ta thứ quà hết sức quý giá. Đó chính là hoa thơm trái ngọt để con người chiêm ngưỡng thường thức. Hãy thử tưởng tượng một ngày trái đất không còn bóng cây xanh, lúc nhà máy lọc khí kì diệu của thiên nhiên không còn cũng là lúc sự sống con người bị đe dọa.
Ngày nay, việc bảo vệ môi trường đang nổi lên trở thành vấn đề mang tính cấp bách và toàn cầu thì lời răn dạy của Bác càng có ý nghĩa lớn lo. Việc trồng cây không những là phong tục cần được phát huy mà nó còn là trách nhiệm. Mỗi cá nhân, đoàn thể, địa phương cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa của hoạt động rất hữu ích này để thực hiện nhiệt tình hăng hái.
Đời cha ăn mặn đời con khát nước.
Tục ngữ Việt Nam