ĐỀ BÀI: Dân gian ta có câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Nhưng có bạn lại bảo: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Hãy viết một bài văn chứng minh thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em.
BÀI VIẾT
Dân gian ta thường nói Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng để nói đến sự tác động của môi trường sống đối với mỗi con người trong quá trình hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên hiện nay có bạn lại cho rằng câu nói này chưa hoàn toàn đúng bởi: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Theo em đây là một vấn đề cần phải được làm sáng tỏ để bạn đó hiểu hơn câu nói mà ông cha ta đã răn dạy, nhắc nhở chúng ta từ xưa cho đến nay.
Trước hết ta cần thấy rõ rằng: người xưa muốn nhấn mạnh đến môi trường sống của những con người có những tính cách khác nhau và sự ảnh hưởng lẫn nhau khi có chung môi trường sống. Gần người tốt là cũng trở nên tốt và gần người dở ta cũng trở nên dở hơn. Và điều này cũng được thực tế chứng minh. Nếu khi còn nhỏ hay vào cái tuổi bắt đầu mới lớn, chập chững bước vào xã hội đầy rẫy những phức tạp mà ta lại kết bạn với những kẻ chỉ ham chơi, đua đòi theo những bạn xấu chắc chắn ta cũng sẽ bị ảnh hưởng vì khi đó ta còn quá trẻ để có kinh nghiệm phân biệt đâu là tốt, đâu là xấu. Đôi khi ta lại có tâm lí tò mò không biết các cuộc chơi là như thế nào trong khi đó lại luôn luôn có những lời mời của mấy người bạn đó thì dù có kiên quyết đến đâu cũng có lúc ta sẽ xiêu lòng. Một lần đi chơi thấy cũng rất vui và thích thử lần hai rồi đến lúc khổng thế dứt ra được nữa. Hơn thế, tâm lí bắt chước nhau cũng là tâm lí chung của con người. Ở cùng những người ham chơi chắc chắn ta cũng bắt chước họ. Bạn thứ nhớ lại xem, chắc bạn đã từng gặp trường hợp một bạn nào đó trước đây từng học giỏi và nổi tiếng là ngoan ngoãn nhưng sau này khi bạn chuyển đến một nơi khác thay đổi trường lớp, môi trường sống, bạn đó hay chơi với những người bạn xấu và bạn sẽ ngạc nhiên khi biết tin bây giờ bạn đó khác ngày xưa rất nhiều. Đó cũng là điểu dễ hiểu bởi đến môi trường mới bạn đã a dua theo để rồi trở thành một người khác. Và ngược lại cũng có trường hợp trước đây bạn đó rất mải chơi do chỉ giao du với những bạn xấu nếu bạn bè tốt giúp đỡ động viên bạn có thể bạn sẽ trở thành một người tốt. Tất nhiên rằng những trường hợp trên đây không đúng hoàn toàn nhưng chắc chắn là sẽ xảy khi bạn đó chỉ chơi và tỏ ra thân thiết với những người bạn xấu đó trong một thời gian dài. Và nếu muốn bạn thay đổi chỉ có thể tách bạn ra khỏi nhóm chơi đó.
Trong học tập cũng vậy, nếu ta chơi thân cùng một người học giỏi khi thấy bạn hôm nào cũng được điểm cao hơn ta chắc chắn không khỏi những phút tự ái dâng lên và tự nhủ: mình cũng phải cố gắng được như bạn. Và cùng với sự giúp đỡ của bạn thì chỉ trong một thời gian sức học của mình sẽ thay đổi. Hành động này được gọi là cạnh tranh lành mạnh. Ta không ghen ghét theo kiểu ích kỉ nhỏ nhen mà xem đó là một tấm gương để phấn đấu, học hỏi ví như hỏi bạn phương pháp học, cách giải bài toán sao cho nhanh gọn. Còn ngược lại nếu ta chơi cùng với một người mà chẳng bao giờ chú tâm vào việc học luôn bằng lòng với số điểm trung bình thì chắc chắn ta sẽ có tâm lí: học như ta là tốt rồi. Và cứ như vậy hai người sẽ hợp nhau ở điểm là thích chơi, luôn bằng lòng với lực học trung bình.
Và trong cuộc sống cũng vậy nếu ta chơi với một người có tấm lòng nhân hậu bao dung biết yêu thương con người thì ta cũng cảm thấy ngại trước bạn để rồi mình tự phải xem xét lại bản thân và bắt chước hành động tốt của bạn với người khác. Và ngược lại. Do vây có thể nói, nếu ta ở gần những nơi tốt thì ta sẽ học được nhiều điều hay, điều tốt còn nếu ta ở một nơi xấu thì ít nhiều ta cũng bị ảnh hưởng. Bởi như đã nói ở trên khi chúng ta vẫn còn nhỏ chưa đủ kinh nghiệm để nhận biết đâu là điều hay điều dở, ta sẽ dễ bị tác động, bắt chước những người thường xuyên bên mình. Hơn thế, tuổi mới lớn do bi kích động hay tự ái thường hiểu lầm chí ganh đua, không phân biệt đâu là lời khuyên chân thành đâu là lời khuyên giả dối. Họ dễ nghe theo những lời dỗ dành ngọt ngào nhưng đầy cạm bẫy. Họ dễ bất cẩn trước lời mắng mỏ của cha mẹ để rồi nghe theo những kẻ xấu làm điều xấu lúc nào không hay.
Tóm lại nguyên nhân khiến những bạn học sinh dễ bị sa ngã là do bạn chưa ý thức được bản thân mình trước cái dở cái xấu hơn thế lại không chịu nghe lời khuyên của bạn bè tốt.
Và do đó chúng ta có thể khẳng định: gần mực có thể đen và gần đèn có thể rạng. Điều này thường dễ xảy ra với các bạn học sinh còn cắp sách đến trường vì đó là tuổi mới lớn các bạn vừa bắt đầu bước ra cuộc sống nên khó phân biệt được cái hay cái dở.
Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.
Tục ngữ Việt Nam