ĐỀ BÀI: Phân tích hình tượng nhân vật Mị (Chủ yếu là từ lúc Mị bị bắt về làm nô lệ trong nhà thống lý Pá Tra cho đến khi trốn khỏi Hồng Ngài) trong tác phẩm vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
BÀI LÀM
Năm 1952, Tô Hoài theo bộ đội chủ lực, tiến quân vào miền Tây, dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Nhà văn đã kể về những ngày tháng ấy, “cái kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi là đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhờ cho tôi nhiều quá…. Đó là một ám ảnh mạnh mẽ thúc đẩy tôi sáng tác” (Một số kinh nghiệm viết văn của tôi). Truyện vợ chồng A Phủ đã được ra đời trong hoàn cảnh ấy. Tác phẩm viết về đồng bào Mèo trong quá trình đấu tranh giành quyền sống tự do, hạnh phúc đã phải nếm trải bao đau thương, tủi nhục, cay đắng. Họ đấu tranh để được giải phóng khi gặp cách mạng. Sự đổi đời của nhân dân Tây Bắc trong bối cảnh cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đến Tây Bắc, Tô Hoài có thêm những người bạn mới là Mị và A Phủ, và cách kể chuyện sắc sảo của nhà văn, họ đã trở thành những nhân vật văn học sinh động, những số phận được sáng tạo, nâng lên từ cuộc sống. Mị và A Phủ là hai hình tượng có tính sóng đôi, bổ sung cho nhau. Họ có cuộc đời riêng nhưng cùng chung cảnh ngộ. Trong đó, Mị được nhà văn chú ý miêu tả, khắc họa hết sức rõ nét bằng cách khai thác đời sống nội tâm của nhân vật.
Mị là một cô gái miền núi xinh đẹp và có tài thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị hết núi này xang núi khác”. Nhiều người say mê Mị “Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”. Nhưng vì nghèo, Mị không có được hạnh phúc như mình mong ước. Về làm dâu để trừ nợ cho cha mẹ trong nhà thống lý Pá Tra. Mị sống như một kẻ nô lệ, bị chiếm đoạt sức lao động, nhan sắc và cả cuộc đời con gái bị vùi dập đau đớn, Mị muốn tự tử nhưng vì thương cha, Mị không đành lòng chết. Thế là sự phản kháng yếu ớt tuyệt vọng ấy đã tiêu tan.
Quay trở lại nhà thống lý, người con gái hiếu thảo ấy đành buông xuôi cho số phận theo một quy luật thích nghi nghiệt ngã: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Thậm chí còn khổ hơn cả con trâu con ngựa. “Con trâu, con ngựa làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, dứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc cả đêm cả ngày”. Và từ đó Mị sống như cái xác không hồn, “Mị cúi mặt không nghĩ ngợi gì nữa”, lúc nào “cô ấy cũng cúi một, mặt buồn rười rượi”.
Nhà thống lý Pá Tra giàu có, kẻ hầu người hạ rất nhiều, Mị là con dâu nhưng cũng chỉ là nô lệ, chỉ là một công cụ lao động biết nói. Hơn thế nữa, Mị chẳng biết nói với ai, Mị như một con vật không cần ánh sáng. “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Mị hoàn toàn đối lập với không gian bao la rộng mở của bầu trời vùng núi, rộn ràng âm thanh và rực rỡ màu sắc. “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”. Và Mị sẽ sống ở đó cam chịu “đến bao giờ chết thì thôi”.
Trong suốt nửa đầu tác phẩm, người đàn bà ấy gần như lặng câm, sống âm thầm cô độc, tối tăm nhẫn nhục, không mảy may hi vọng có sự đổi thay. Nhưng có lúc hoàn cảnh không thể dập tắt được sức sống, muốn sống trong yêu – thương vẫn âm ỉ cháy trong đáy sâu tiềm thức của Mị.
Những đêm tình mùa xuân tới, nghe tiếng sáo thổi gọi bạn đầu làng, tiếng sáo thiết tha bồi hồi, Mị hát thầm theo tiếng sáo. Những lúc này “lòng Mị đang sống về ngày trước”. Quá khứ của thời con gái hiện về, sung sướng tự do. Mị lén lấy rượu uống “ực từng bát” để quên buồn, quên đi thực tại hay để có đủ can đảm phản kháng thực tại? Mị quyết định đi chơi, “Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”, một sức sống tiềm ẩn đã bùng lên mạnh mẽ, Mị còn trẻ lắm, Mị phải sống như khát vọng thúc giục. Nhưng sự trỗi dậy ấy, một lần nữa, lại bị sự ràng buộc khắc nghiệt của hoàn cảnh, A Sử trói đứng Mị vào cột nhà một cách tàn nhẫn, lạnh lùng. Trong tình trạng đau đớn về thể xác ấy, lạ thay, “ Mị vẫn nghe tiếng xáo đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Đến nỗi Mị đã quên đi cảnh bị trói bi thảm của hiện tại, “Mị vùng bước đi, nhưng tay chân đau không cựa được”.
Như vậy, trong cái thâm u, tối tăm của cuộc đời Mị, luôn có những cơn sóng ngầm phản kháng. Và cơn sóng mạnh mẽ cuối cùng là hành động cắt dây trói cho A Phù. Với đoạn văn hay nhất của truyện này, Tô Hoài đã tỏ ra rất chặt chẽ trong bố cục, tài tình trong việc sắp xếp các tình huống, thể hiện tâm lí, hành động của nhân vật một cách hợp lý, thuyết phục.
Không có đất nước nào nhỏ bé. Sự vĩ đại của một dân tộc không được quyết định bởi số người, cũng như sự vĩ đại của một người không được đo bằng chiều cao của anh ta.
There is no such thing as a little country. The greatness of a people is no more determined by their numbers than the greatness of a man is by his height.
Victor Hugo