Soạn bài: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Trích Truyện Lục Vân Tiên)
I: Hướng dẫn đọc – hiểu văn bản
1: Truyện Lục Vân Tiên được sáng tác theo kết cấu của truyện kể dân gian, kết thúc có hậu. Nhân vật thường có hai tuyến là chính diện và phản diện. Những nhân vật chính trải qua gian khổ, cuối cùng đều chiến thắng và được đền đáp.
Đối với tác phẩm tuyên truyền đạo đức thì kết cấu như vậy khuyến khích, động viên người đọc noi theo những tấm gương đạo đức được biểu dương trong tác phẩm.
2: Trong đoạn trích, Lục Vân Tiên là người hào hiệp, xả thân vì nghĩa. Vân Tiên sẵn sàng cứu giúp dân lành. Chàng được ví với Triệu Tử Long, một danh tướng thời Tam quốc. Vân Tiên đánh cướp la một việc làm vì nghĩa, vô tư. Chàng quan niệm: Làm ơn há dễ trông người trả ơn; Nào ai tính thiệt so hơn làm gì. Thấy việc nghĩa không làm, không phải là người anh hùng.
Ngoài ra, Vân Tiên còn là một chàng trai có tấm lòng cảm thông. Chàng cư xử tế nhị, có văn hóa. Chàng muốn cho hai cô gái bình tĩnh, và chàng có điều kiện chỉnh đốn trang phục sau khi “tả đột hữu xông”. Vì thế chàng mới không để hai cô gái ra ngay khỏi xe gặp mình.
3: Về phía Kiều Nguyệt Nga, trước hết, nàng là người hiếu thảo. Theo lời cha dặn, nàng không ngại đường xa nguy hiểm (Làm con đâu dám cãi cha – Ví dầu ngàn dặm đường xa cũng đành). Khi được Vân Tiên giải nguy, nàng rất muốn đền ơn nên đã mời Vân Tiên về cùng để báo đức thù công. Nàng băn khoăn vì giữa đàng “Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không”. Tấm lòng của nàng là chân thành của người trọng ơn nghĩa “ơn ai một chút chẳng quên”.
4: Nhân vật trong đoạn trích này được miêu tả chủ yếu qua hành động, cử chỉ. Vân Tiên bộc lộ tính cách qua hành động đánh cướp, qua việc yêu cầu hai người chớ vội ra ngoài xe, qua việc từ chối theo Nguyệt Nga về để hưởng sự đền ơn. Nguyệt Nga bộc lộ phẩm chất tốt đẹp qua việc vâng lời cha, qua hành động mời Vân Tiên qua Hà Khê để báo đáp ơn nghĩa của chàng. Truyện Lục Vân Tiên gần với thể loại truyện nôm khuyết danh, xa hơn là gần với thể loại truyện kể dân gian.
5: Ngôn ngữ của tác giả trong đoạn trích là ngôn ngữ bình dân, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Điều thứ hai là ngôn ngữ mang màu sắc Nam Bộ với các từ địa phương: nhằm làng, xông vô, kêu rằng, tại mầy, xe nầy, tiểu thơ… Các từ ngữ này làm cho sắc màu Nam Bộ rất độc đáo, được người dân Nam bộ yêu thích, truyền tụng. Ngoài ra, ngôn ngữ kể chuyện khá linh hoạt, đa dạng. Miêu tả trận đánh, lời lẽ Phong Lai, khác hẳn với việc miêu tả cuộc trò chuyện của chàng trai với hai cô gái.
Xem thêm :
Cuộc sống luôn cho bạn cơ hội thứ hai, nó được gọi là ngày mai.
Khuyết danh