Khi tình bạn tan vỡ…

Nếu cả hai “không muốn nhìn mặt nhau nữa”, thay vì hành động theo cảm xúc, bạn hãy tham khảo những lời chia sẻ sau.


Lỗi ở cả hai, hoặc

Nếu cả hai “không muốn nhìn mặt nhau nữa”, thay vì hành động theo cảm xúc, bạn hãy tham khảo những lời chia sẻ sau.





Lỗi ở cả hai, hoặc không do ai cả



Bạn và bạn ấy đã từng rất thân thiết, hiểu nhau, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau ở mọi khía cạnh trong cuộc sống. Nhưng rồi nhiều hiểu lầm, mâu thuẫn chồng chất đã khiến cả hai không còn tin tưởng nhau, mất lòng tin lẫn nhau, rồi tình bạn cũng sứt mẻ từ đó. Khác với tình yêu, tình bạn thường khó tồn tại sự tha thứ. Ai cũng cho rằng bản thân mình là đúng, và tự nhủ: “Mất người bạn này còn rất nhiều người bạn khác tốt hơn”, thế nên họ luôn sẵn sàng hành động theo cảm tính mà không kịp suy nghĩ.







Khi một mối quan hệ tan vỡ, lỗi xuất phát từ cả hai, hoặc không ai có lỗi. Chẳng có chuyện: “Tớ đúng, cậu sai”, “Chính cậu mới là người làm mọi thứ rối tung”, “Nếu cậu không chơi xấu tớ thì mọi thứ đã chẳng đến nỗi này”… Càng đổ lỗi, bạn càng cảm thấy nặng lòng và buồn vì mối quan hệ trong quá khứ.



Thế nên, thay vì ngồi đó thất vọng và ấm ức khi nhớ đến những gì người ấy đã gây ra cho mình, bạn hãy quên đi những điều không đáng, và tập trung cho tương lai. Dù rằng cả hai không còn là bạn như bình thường được, nhưng bạn cũng đừng nuối tiếc. Cả hai bạn đã không còn hiểu nhau, vậy nên “bo xì” là một điều hết sức bình thường.



Tránh nói những lời khó nghe



Nếu chỉ giận nhau, hai bạn sẽ hậm hực một thời gian rồi cũng trò chuyện với nhau thân mật, vui vẻ. Nhưng khi đã “cắt đứt”, một trong hai, hoặc cả hai có khuynh hướng thích “đạp đổ” bằng cách nói xấu người đã từng là bạn mình, rồi tỏ ra hả hê như vừa đạt được một thành tích nào đó. Như thế chỉ khiến bạn cảm thấy thỏa mãn, nhưng rồi sau đó bạn có cảm thấy chạnh lòng? Liệu bạn có đúng khi cư xử như vậy? Điều đó không khiến bạn cảm thấy dễ chịu, mà còn gây hình tượng xấu trong mắt mọi người. Vậy nên, khi người khác hỏi: “Sao hai bạn không nhìn mặt nhau nữa?”, thay vì ngồi kể xấu, nói ra những lời khó nghe, bạn chỉ mỉm cười và tỏ một thái độ trân trọng: “Bọn tớ không hợp quan điểm nữa, không thân như trước nhưng vẫn vui vẻ trò chuyện khi gặp nhau…”



Điều này không những khiến bạn nhẹ lòng mà còn khiến cho “người đã từng là bạn thân” của bạn cảm thấy vui. Ít ra thì sau những xích mích, cả hai không quá trẻ con đến mức coi nhau là kẻ thù và luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu.”



Bí mật vẫn phải là bí mật



Khi còn là bạn, cả hai đều chia sẻ cho nhau những bí mật riêng tư về tình cảm, hoặc những tật xấu của nhau… Nhưng không có nghĩa là khi “chấm dứt”, bạn lại lôi hết những bí mật đó “công khai” với mọi người…



Thảo Trang (sinh viên năm 1 ĐH Công Nghiệp) chia sẻ: “Mình đã từng kể cho cô bạn thân rằng mình thích một anh chàng trong lớp nhỏ. Dần dần khi cả hai bất đồng quan điểm, nhỏ rời xa mình dần, và rồi cả lớp của nhỏ biết bí mật của mình. Khi ấy mình đã quá nông nổi và thiếu kiềm chế, nên “chơi lại” bằng việc công khai bí mật của nhỏ… Mọi thứ càng lúc càng phức tạp và hiện nay, bọn mình vẫn đề phòng nhau vì lòng tin đã vỡ nát rồi…”



Tại sao phải “trả thù” nhau như thế khi điều đó cũng không có lợi cho bạn? Đành rằng cảm xúc đôi lúc rất khó chế ngự, nhưng cũng phải có những giới hạn nhất định. Nếu người ấy cư xử xấu với bạn, rồi sau này người ấy sẽ cảm thấy ân hận với chính hành động của mình. “Chơi xỏ” lại chỉ khiến mọi thứ nặng nề hơn..



Khi “chạm mặt”



Nếu bạn vẫn chưa nguôi và không muốn nhìn mặt người đó, tốt nhất nên tìm lý do để đi chỗ khác hoặc tránh mặt. Không nên tỏ ra giả tạo và nói chuyện hàm ý. Bạn sẽ dễ gây mất hình tượng giữa đám đông đấy. Mâu thuẫn riêng nên được giải quyết khi chỉ có hai người…



Đối diện với sự thật bằng cách xem người ấy như một người-bạn-bình-thường cũng là cách khiến cả hai bớt suy nghĩ và căng thẳng. Hãy nghĩ xem, nếu cả hai không còn xem nhau là bạn thì nói vài câu xã giao vẫn tốt hơn là liếc nhìn nhau rồi tỏ vẻ căm ghét. Nên trân trọng tình bạn trong quá khứ, dù rằng không còn nữa, đó cũng là cách giúp bạn và người bạn ấy cảm thấy vui vẻ và an lòng…



Dẹp bỏ “cái tôi”



Thật sự là, nếu một trong hai chịu nhún nhường thì người còn lại không có lý do gì để “ác cảm” cả. Vấn đề ở đây là cả hai không chịu nghĩ cho nhau và chỉ quan tâm đến chính bản thân mình nên tình bạn mới bế tắc, không lối thoát… Hãy thử viết vài dòng rồi gửi cho bạn ấy với nội dung: “Mình vẫn rất trân trọng tình bạn giữa chúng ta. Dù có rất nhiều hiểu lầm không đáng có, nhưng với mình, bạn vẫn là một người bạn tốt. Không thân nữa nhưng vẫn là bạn của nhau, đừng tỏ ra xa cách nữa, được không? Bắt tay nào…”. Ai nhận được nội dung như thế này mà không cảm động cơ chứ!



Dù nói gì đi nữa, “cái tôi” trong tình bạn lớn gấp nhiều lần so với “cái tôi” trong tình yêu. Tình yêu có sự can thiệp của cảm xúc, nhưng tình bạn lại thiên về lý trí. Do vậy, nếu dẹp bỏ được sự ích kỉ trong chính bản thân mình, thì cả hai cũng sẽ không còn cảm thấy nặng nề nữa…



o0o



Tình bạn dù sao cũng rất đáng để trân trọng. Đừng vì vài phút hiểu lầm, xích mích, mà hất bỏ một mối quan hệ tốt đẹp được gầy dựng bấy lâu. Học cách tha thứ và nhường nhịn, bạn sẽ có được tình bạn đích thực.


2016-11-24 21:59
   
Để Lại Nhận Xét
   
Chúng ta không có quyền đưa ra ý kiến ​​cho đến khi chúng ta biết tất cả các câu trả lời.
We have no right to express an opinion until we know all of the answers.
Kurt Cobain

Khi tình bạn tan vỡ…,

Ngẫu Nhiên

The Soda Pop