Tình cờ gặp lại người bạn cùng xóm từ thời bé xíu sau bao năm tháng dài không gặp bỗng nhiên cất tiếng gọi “Ê…”, và câu hỏi rất bùi ngùi: “Còn nhớ không?...”. Nhớ. Vẫn còn nhớ rất nhiều điều, bởi có những kỷ niệm quá dễ thương.
Hồi đó, nhà hai đứa cạnh nhau. Giữa hai nhà là hàng rào bằng những thanh gỗ vót nhọn hình mũi tên. Khoảng trống giữa những thanh gỗ là nơi để hai đứa thò tay qua lại, chuyền cho nhau cái nắp keng (nắp bia, nước ngọt) hay tấm hình dán trong gói kẹo me hoặc sợi dây thun. Có khi thò hẳn cả bàn tay qua để chơi búng thun. Có lúc viên bi từ sân bên kia lăn qua sân bên này và biến đi đâu mất tiêu, dù hai đứa lùng tìm khắp để rồi tự nhiên thấy nó hiện ra ở chỗ dễ nhìn thấy nhất.
Ảnh minh họa: Inmagine
Nhớ những trưa, sau giấc ngủ ngắn, mình được một cái bánh tráng khoai nướng, bạn là cây cà rem. Hai đứa đổi món cho nhau. Bánh tráng khoai nướng giòn thì dễ bẻ mà lỡ tay bẻ miếng hơi to thì cũng vẫn lấy lại được. Còn cây cà rem mà chìa qua hàng rào… lỡ cắn miếng to thì làm sao lấy lại? Vậy nên mỗi khi cây cà rem chìa qua bên này thì người lớn của hai nhà cứ nhìn mà phì cười. Cây cà rem thò qua, miệng há tới, phải canh làm sao để vừa cắn đúng phần cà rem bạn cho phép, vừa để miệng mình không bị đụng thanh gỗ hàng rào.
Có khi cà rem bị cắn mất nhiều quá, bạn khóc bắt đền. Vừa mắc cỡ vừa ngại ngùng, mình la to: “Con trai gì mà khóc nhè”. Hồi đó, con trai mà bị nói câu này là xúc phạm ghê gớm lắm. Bạn giận mình tới mấy ngày, may mà viên bi của bạn lăn qua rào phải nhờ mình lượm giùm, hết giận.
Hồi đó, người lớn thấy hai đứa chơi với nhau thường nói vui: “Đợi hai đứa lớn lên rồi hai nhà thành sui gia”. Nhưng hai đứa chưa kịp lớn thì người lớn đã tính chuyện chuyển nhà đi tìm nơi làm ăn mới.
Nhắc lại chuyện cũ cùng nhau bật cười: “Hồi đó sao ông chi li quá vậy?”. Bạn cười ha ha lém lỉnh: “Ờ, hồi đó sao tui ngu dễ sợ, nếu bây giờ tui sẽ tặng bà nguyên cây cà rem luôn”. Chỉ có điều… cô bé ngày xưa không còn nữa. Và bạn nữa, cậu bé ngày xưa đã xa mất rồi.
Chỉ còn trong nỗi nhớ.
Cuộc họp tan, bạn và mình bắt tay nhau thật chặt trong niềm xúc động của thời thơ ấu vừa được đánh thức, thời thơ ấu nhiều thiếu thốn nhưng đầy san sẻ chân thành.
Lời hẹn hò đùa mà đầy gợi nhớ: “Hôm nào tui mời đi ăn cà rem nhé?”. Câu trả lời vui mà nhuốm bùi ngùi: “Ừ, hôm nào nghen”. Nhưng mình biết chẳng có bao giờ có lại được nữa, tuổi thơ
Hòa bình quan trọng hơn công lý; và hòa bình không phải được tạo ra vì công lý mà chính là công lý được tạo ra vì hòa bình.
Peace is more important than all justice; and peace was not made for the sake of justice, but justice for the sake of peace.
Martin Luther