Mười tuổi, con cố tình tạo một vết rách không thể cứu vãn trên chiếc áo trắng nhằm tạo áp lực có áo mới nhân ngày đầu năm học.
Khi phát hiện ra, mẹ lẳng lặng cất chiếc áo mới vào cuối ngăn tủ rồi khóa cửa tủ. Thế là ngày ngày con đến lớp với chiếc áo còn lại, ngả sang màu cháo lòng. Tan học, con lại vội vã thay ra để giặt, phơi nắng cho chóng khô ngày mai còn mặc tiếp. Từ đó, con không bao giờ nói dối.
Buổi tối, mẹ nhắc con: “Ngày mai kiểm tra nên tranh thủ ôn bài, còn đi ngủ sớm”. Con vâng dạ, rồi mải mê chát chít với mấy đứa bạn rỗi việc đang online. Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất đem ra buôn. Gần sáng con mới dứt khỏi cái máy vi tính và lăn ra ngủ. Con không hẹn đồng hồ, vì nghĩ thế nào ngày mai mẹ cũng gọi dậy.
Khi thức giấc muộn, con quáng quàng chạy vội đến lớp. Mẹ đang thu bài kiểm tra. Hôm sau, mẹ trả bài, cột điểm một tiết của con để trống. Con gục mặt xuống bàn, rấm rứt khóc. Từ đó, mỗi khi có tiết kiểm tra, con tự giác đi ngủ sớm và không bao giờ quên hẹn đồng hồ báo thức.
Con đậu đại học với số điểm cao ngất ngưởng. Dù không thích, nhưng vì chiều theo ý bố, mẹ cũng đồng ý tổ chức liên hoan. Cô, dì, chú, bác ai cũng khen con thông minh, giỏi giang. Con thích lắm, rối rít kể chuyện: “Cháu làm một loáng là xong, thừa bao nhiêu thời gian. Đề dễ thế mà chẳng hiểu sao phòng cháu đầy đứa không làm được. Thi xong ngồi ôm mặt khóc. Tội ơi là tội”…
Hôm sau, bố có thuyết phục mấy mẹ cũng không đồng ý mua xe máy cho con. Mẹ bảo: “Con không biết nhìn trước, nhìn sau, đi xe máy chẳng những hại mình mà còn hại người”. Thì ra hôm liên hoan, chị Ngân con bác Sơn cũng có mặt. Chị thi năm ba rồi mà mới đủ điểm đậu trung cấp. Nghe những lời kể của con, chị lủi thủi lại sau nhà, lặng lẽ khóc. Từ đấy, con luôn suy nghĩ trước khi nói bất cứ điều gì.
Mua chiếc váy mới nên tháng ấy con hết tiền sớm hơn mọi khi, con viết thư về giục mẹ. Con nghĩ chắc mẹ phải lo lắng lắm và sẽ vội vàng gửi tiền lên ngay cho con. Nhưng không… con vẫn nhận được giấy gọi lấy tiền vào đầu tháng như mọi khi. Suốt một tuần, con phải trệu trạo ăn mì tôm. Từ đấy, con biết cách chi tiêu một cách hợp lý. Những năm tháng sinh viên tiếp theo con không bao giờ phải ăn mì tôm trừ bữa.
Một hôm, con nhận được thư. Con nghĩ chắc là mẹ dặn dò, nhắc nhở. Nào là đội mũ trước khi ra đường, cố gắng ăn nhiều vào cho khỏe hay đơn giản là đừng thức khuya quá. Thế nhưng, mẹ chỉ viết ngắn gọn những dòng thông báo cùng một câu hỏi được gạch chân cẩn thận: “Sao con không đi làm thêm? Năm hai rồi còn gì!”.
Con ngạc nhiên, nhà mình có phải khó khăn, thiếu thốn gì đâu? Nhưng rồi vì tự ái, con cũng theo chân lũ bạn long đong đến các trung tâm gia sư. Rồi khóc nức nở vì đóng tiền mà vẫn không có được việc làm thêm. Sau mấy lần con biết cách để không bị lừa nữa. Những trưa nắng chang chang, đạp xe đi dạy, lưng áo con ướt đẫm mồ hôi. Những buổi tối mưa phùn, lạnh thấu xương, con co rúm đứng chờ xe buýt. Tháng lương đầu tiên, sau khi mua quà gửi mẹ, con tự thưởng cho mình một chiếc áo. Đó không phải là chiếc áo con thích nhất nhưng con luôn giữ gìn một cách cẩn thận. Con biết quí những gì mình làm ra.
Rồi người ấy đột ngột rời khỏi con trước kỳ thi tốt nghiệp. Con không khóc, nhưng mất ngủ liên miên. Đêm đêm, mắt con ráo hoảnh nhìn lên trần nhà. Mẹ xuất hiện giữa trưa nắng gắt, tất tả đi chợ và nấu cho con bữa cơm. Con nghĩ thế nào mẹ cũng ở lại, chăm sóc và nhẹ nhàng khuyên nhủ cho đến khi con nguôi ngoai mới thôi. Nhưng không, chiều hôm ấy mẹ thu dọn đồ đạc rồi về.
Mẹ nhìn thẳng vào mắt con, rồi bảo: “Mai mẹ có tiết dạy sớm, không thể thay đổi. Nó cũng đã đi rồi, con có thay đổi được điều đó không?”. Con trở về phòng trọ, bật nhạc thật to, vừa nhảy vừa hát theo. Từ đó, con tự biết cách vượt qua những nỗi buồn và sự thất vọng. Trong kỳ thi tốt nghiệp, con là một trong những sinh viên có số điểm cao nhất.
Suốt một thời gian dài, con nghĩ mẹ không hề yêu con. Mẹ nghiêm khắc, lạnh lùng và luôn đẩy con vào những hoàn cảnh khó khăn không đáng có. Mẹ không ở cạnh con, ngay cả khi con đau đớn và thất vọng nhất. Nhưng đến bây giờ, khi nhìn lại tất cả mọi điều đã qua, con nhận ra rằng mẹ yêu con nhiều lắm, vì thế mẹ dạy con cách tự mình khôn lớn và trưởng thành. Cách yêu ấy khác với mọi người.
(TRẦN LINH, Đài PTTH Thanh Hóa)
Sau sự vội vã là sự hối hận.
Ngạn ngữ Ả rập