Câu 1:
a. Văn tế: là loại văn thường gắn với phong tục tang lễ, nhằm bày tỏ lòng tiếc thương đối với người đã mất, văn tế thường có nội dung cơ bản, kể lại cuộc đời công đức phẩm hạnh của người đã mất và bày tỏ tấm lòng xót thương sâu sắc.
b. Bố cục bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc gồm bốn phần:
- Lung khởi (từ đầu đến tiếng vang như mõ) là cảm tưởng khái quát về cuộc đời những người sĩ Cần Giuộc.
- Thích thực (từ Nhớ linh xưa... đến tàu đồng súng nổ) là hồi tưởng cuộc đời và công đức của người nghĩa sĩ.
- Ai vãn (từ Ôi! Những lăm lòng nghĩa lâu dùng đến cơn bóng xế dật dờ trước ngõ) là lời thương tiếc người chết của tác giả và người thân của các nghĩa sĩ.
- Kết (còn lại) là tình cảm xót thương của người đứng tế đối với linh hồn người chết.
Câu 2:
a. Hình ảnh người chiến sĩ nông dân
Họ xuất thân là những người nông dân nghèo khó. Mở đầu là cuộc đời cui cút, khép lại là cuộc đời nghèo khó. Người nông dân chỉ biết việc cuốc, cày, bừa, cấy. Họ không biết gì về chiến trận như cung, ngựa, trường, nhưng, chưa từng tập khiên, súng, mác, cờ…
Tuy nhiên, khi giặc Pháp đánh chiếm quê hương, họ trở thành người nghĩa sĩ anh dũng đánh Tây. Thực dân Pháp tiến công Nam Bộ đã hơn mươi tháng, người dân mong chờ triều đình đánh giặc, nhưng trông tin quan, như trời hạn trông mưa. Quê hương bị tàn phá dưới gót giày xâm lược của giặc, người dân sục sôi căm thù. Lúc đầu nghe thấy kẻ thù hôi tanh, họ ghét thói xâm lăng mọi rợ như nhà nông ghét cỏ, thấy cỏ ở ruộng lúa là phải nhổ cho sạch. Khi kẻ thù hiện hình cụ thể trước mặt, lòng căm ghét chuyển sang căm thù, họ muốn ăn gan, muốn ra cắn cổ kẻ thù. Điều này diễn tả mức độ căm thù của nhân dân đối với giặc lên đến tột đỉnh.
Bên cạnh sự căm thù của tình cảm là sự căm thù của lí trí. Cả tình cảm lẫn lí trí đều nổi giận và do ý thức trách nhiệm công dân, họ tự nguyện đứng lên đánh giặc, ra sức, ra tay với khí thế hào hùng.
Trong trận tập kích đồn Cần Giuộc, họ là những người dũng sĩ công đồn. Họ không đợi tập rèn luyện võ nghệ, cũng không chờ bày bố trận binh thư. Những người nông dân ấy cũng không chuẩn bị quân trang. Vũ khí chỉ là ngọn tầm vong vạt nhọn, con cúi làm mồi lửa, lưỡi dao phay – vốn là những vật dụng bình thường trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng khi đã ở trong tay người nghĩa sĩ, tất cả đều trở thành vũ khí vô địch. Bằng cách sử dụng biện pháp đối lập, tác giả đã tả quyết tâm chiến đấu của người nông dân nghĩa sĩ, dù kẻ thù có sức mạnh quân sự hơn ta nhiều lần. Hình ảnh những người nghĩa quân trong những giờ phút căng thăng cao độ của trận đánh được diễn tả cực kì sinh động, thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời, sự hi sinh thiêng liêng của người nghĩa sĩ.
Qua đoạn văn tế trên, tác giả đã phát hiện và ca ngợi bản chất cao quý tiềm ẩn đằng sau manh áo vải của những người nông dân lam lũ là lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương.
b. Về nghệ thuật, đoạn văn hầu như được xây dựng toàn bằng những chi tiết chân thực, được cô đúc từ đời sống thực tế nên có tầm khái quát cao, không sa vào vụn vặt, tản mạn. Hình tượng nhân vật được đặt trong một kết cấu chặt chẽ, hợp lí. Ngòi bút hiện thực ấy kết hợp thật nhuần nhuyễn chất trữ tình sâu lắng, ẩn chứa trong từng câu chữ, từng hình ảnh là sự cảm thông, là niềm kính phục và tự hào của tác giả. Từ ngữ bình dị mà rất tinh tế, chính xác, có sức gợi cảm. Nhiều biện pháp nghệ thuật tu từ được sử dụng thành công, tạo được hiệu quả cao.
Câu 3:
a. Đoạn 3 (Ai vãn) là tiếng khóc bi thiết của tác giả xuất phát từ nhiều nguồn cảm xúc:
- Nỗi xót thương đối với người liệt sĩ phải hi sinh sự nghiệp dang dở, ra đi khi chí nguyện chưa thành.
- Nỗi xót xa của gia đình mất người thân, với những mẹ già, vợ trẻ.
- Nỗi căm hờn những kẻ đã gây ra nghịch cảnh éo le hòa chung với tiếng khóc uất ức nghẹn ngào trước cảnh đau thương của đất nước, của dân tộc.
b. Tiếng khóc thương của nhà thơ không chỉ gợi nỗi đau mà cao hơn còn khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí tiếp nối sự nghiệp dang dở của những người nghĩa sĩ. Tiếng khóc tuy bi thiết nhưng không đượm màu tang tóc, thê lương kéo dài bởi nó mang âm hưởng của niềm tự hào, sự khẳng định về ý nghĩa bất tử của cái chết vì nước, vì dân mà muôn đời sau con cháu vẫn tôn thờ.
Câu 4: Bài văn tế sở dĩ có được sức biểu cảm mạnh mẽ, trước hết bởi nó biểu hiện những cảm xúc chân thành, sâu nặng và mãnh liệt của nhà thơ. Những câu văn như:
"Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ."
có sức khơi gợi sâu sa trong lòng người đọc.
Hơn thế nữa bài văn tế còn có giọng điệu rất đa dạng và đặc biệt gây ấn tượng ở những câu văn bi tráng, thống thiết như:
"Thà thác mà đặng câu địch khái, …. trôi theo dòng nước đổ."
Giọng văn bi thiết còn được bổ sung sức gợi cảm đáng kể bởi những hình ảnh sống động (manh áo vải, ngọn tầm vông, rơm con cúi, mẹ già, ngòn đèn khuya leo lét, …)
Để làm sáng tỏ ý kiến của giáo sư Trần Văn Giàu: "Cái sống được cha ông ta quan niệm là không thể tách rời với hai chữ nhục, vinh. Mà nhục hay vinh là sự đánh giá theo thái độ chính trị đối với cuộc xâm lược của Tây: đánh Tây là vinh, theo Tây là nhục", có thể dẫn ra và phân tích các câu như:
- Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
- Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.
- Thà thác mà trả nước non rồi nợ, dành thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.
Các bài soạn văn lớp 11 hay khác:
Khi lâm vào cảnh bất hạnh, con người nên nghĩ đến hạnh phúc và phấn đấu cho hạnh phúc. Khi ấy họ sẽ thoát khỏi cảnh bất hạnh và sẽ đạt được hạnh phúc.
Khuyết danh