Thầy kể chuyện:
Có anh chàng nọ, vác một bao lúa nặng trĩu đi qua không biết bao nhiêu dặm đường.
Dọc đường, có người gởi anh một ít đồ vật, anh đều không từ chối bất kể nặng nhẹ.
Sau cùng, gặp một thiện hữu bảo anh nên vất bao lúa đi vì nó không còn cần thiết nữa.
Anh làm theo và cảm thấy khỏe khoắn không biết bao nhiêu khi gánh nặng không còn nữa.
Kể xong, thầy hỏi:
- Vác, khiêng, quảy… đều mệt nhọc. Buông, quăng, bỏ… thiệt là khỏe. Vậy mà tại sao mấy đứa con không chịu buông?
* Bài học:
Ðây là một câu hỏi đơn giản nhưng thuộc loại khó trả lời… vì các gánh nặng của chúng ta đang cưu mang hoàn toàn không có hình tướng, trọng lượng… không thể sờ mó hay chỉ trỏ cho ai xem… vậy mà nó nặng ơi là nặng!
Ai bắt chúng ta cứ mang hoài những niềm vui, nỗi sầu? Sao không quăng bỏ đi
Ai khiến chúng ta cứ nhớ hoài nhớ mãi những chuyện cũ đau thương, các lời nhục mạ, phỉ báng có phụ đề theo hình ảnh… từ ngày này qua ngày khác, nhất định “sống để dạ chết mang theo” hằn thù mãi chứ không chịu vất bỏ giữa đường.
Bỏ thì khỏe… nhưng buồn… vì thấy sao mà tay chân mình lóng ngóng, chẳng biết đặt vào đâu.
Buồn vì thấy người ta CÓ, còn mình KHÔNG, người ta ÐƯỢC, mình lại MẤT.
Có lẽ vì vậy mà, dù đã mệt le lưỡi về chuyện của mình, chúng ta vẫn sẵn sàng kê vai gánh phụ không biết bao nhiêu là bao bị của người, ôm đồm chuyện người khác, can thiệp quá sâu vào chuyện người khác .
Và, đó cũng là lý do tại sao hai chữ “BUÔNG XẢ” của nhà thiền mãi mãi là một ẩn ngữ đối với thế nhân vậy.
Mỗi phút bạn giận dữ, bạn từ bỏ sáu mươi giây thanh thản tâm hồn.
For every minute you remain angry, you give up sixty seconds of peace of mind.
Ralph Waldo Emerson