Ngày Chủ nhật của tuần thứ 3 trong tháng sáu được gọi là Ngày của cha (Father’s day). Đây là ngày để con cái bày tỏ lòng biết ơn và tôn vinh không chỉ những người cha mà cả những người đàn ông mà họ kính trọng và yêu quý như ông nội, cha đỡ đầu, chú...
Ngày lễ này được ghi nhận là ý tưởng của Sonora Smart Dodd, một phụ nữ trẻ ở Spokane, bang Washington, Mỹ. Sonora muốn tổ chức một ngày lễ đặc biệt để biết ơn người cha đã lặng lẽ ở vậy nuôi 6 người con sau khi mẹ cô qua đời. Ngày của cha đầu tiên được tổ chức vào ngày 19/6/1910 ở Spokane.
Và trong chương trình hôm nay Blog Radio xin được gửi những lời tri ân sâu sắc tới những người Cha trên cuộc đời này.
Để bắt đầu chương trình mời bạn cùng đến với một bài viết của cô con gái gửi tới gia đình thân yêu của mình
Một ánh mắt, hai bàn tay và ba cuộc đời
***
Tôi đã từng được đọc một câu chuyện về một người mẹ hỏi con mình phần nào trên cơ thể con người là quan trọng nhất. Sau một thời gian dài cậu bé mới được mẹ lý giải và chiêm nghiệm rằng: Bờ vai là quan trọng nhất vì đó là nơi để người thân của ta có thể gục vào và khóc mỗi khi buồn.
Đó là một câu chuyện xúc động về sự cần thiết phải sẻ chia những vui buồn cho nhau trong cuộc sống. Riêng tôi, nếu ai hỏi tôi câu đó, tôi sẽ có ngay câu trả lời với những lý lẽ và dẫn chứng cho riêng mình. Theo tôi cái quan trọng nhất đó là: Ánh mắt đầy trìu mến và biết nói của mẹ cùng đôi bàn tay cương nghị, rắn rỏi nhưng đầy tình yêu thương của bố. Đó là những hình ảnh sống động trong tôi về những hy sinh, tình cảm bao la vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái mình.
Mọi người có thể tưởng tượng cuộc sống thiếu thốn, khó khăn và đói khổ của thời kì trước, trong và ngay sau bao cấp lúc bấy giờ lương giáo viên của trường quân giới lúc đó chẳng thấm vào đâu, bố tôi lại là bộ đội đóng quân cách nhà hơn 100Km. Nhờ sự đảm đang, tháo vát mẹ đã xoay sở kết hợp tăng gia sản xuất. Không ngại khổ thức khuya dậy sớm, đôi mắt như không cần phải nghỉ, mẹ luôn lo chăm sóc cho đàn gà đàn lợn nhà tôi lớn nhanh để bữa ăn của anh em tôi có thêm chất.
Khi thời kì sau bao cấp đi vào ổn định cũng là lúc anh em tôi bắt đầu lớn và cần quan tâm hơn nữa. Lúc đó, bố tôi may mắn xin được về gần nhà hơn trước. Vào đúng thời điểm bấy giờ, nhà trường có chế độ “về hưu non” cho các cán bộ trong trường, bố đã động viên và mẹ chấp nhận rút lui trên con đường sự nghiệp để về tổ ấm chăm sóc ba anh em tôi và cũng để đứng sau mỗi thành công của bố. Tất nhiên bố tôi đã không để mẹ thất vọng.
Từ tuổi thơ cho đến giờ khi đã lớn lên, bố luôn là thần tượng sống duy nhất trong tôi về người đàn ông hoàn hảo,tuyệt vời. Hình ảnh đôi bàn tay bố vẫn luôn đau đáu hiển hiện trước mắt tôi như một đòn bẩy hối thúc, động viên tôi phải biết cố gắng hơn nữa trong học tập và giờ là trong công việc để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ.
Mặc dù cơ quan cách nhà 18Km nhưng bố tôi vẫn cố gắng sáng đi tối về suốt hơn 20 năm nay. Mùa hè, bố mặc áo cộc, tay trái đeo đồng hồ. Ánh nắng mặt trời gay gắt không tha cho những chỗ không được bảo vệ đó. Vậy nên trên tay bố từ khuỷu trở lên trắng, còn dưới cánh tay thì đen nhẻm và chỉ trắng độc chỗ đeo đồng hồ. Mỗi lần nhìn thấy cái “đồng hồ da” của bố trong tôi không khỏi ngẹn ngào thương xót cho những nhọc nhằn bố phải trải qua. Mùa đông, mưa phùn gió bấc như càng dữ dội hơn ngạo nghễ thách thức sự chịu đựng của con người. Chúng tôi ào ra đón bố đi làm về, bố dựng xe máy xuống, việc đầu tiên là hơ đôi bàn tay xuống cái ống xả xe máy lúc hẵng còn đang nóng ran nhằm làm tan bớt cái giác lạnh đang ngự trị trên đôi bàn tay rét mướt của bố rồi dắt xe vào nhà và trò chuyện cùng chúng tôi.
Tôi đã khóc, khóc thật nhiều, thương bố và tôi từng nghĩ rằng: Để bố phải buồn thôi cũng là một cái tội rất lớn!
Tình thương, lòng biết ơn sâu sắc của tôi với bố cùng hình ảnh đôi bàn tay vẫn mãi đọng lại trong trái tim tôi ngày một nhiều hơn. Cũng chính đôi bàn tay từng chống đỡ với biết bao mùa mưa nắng, từng phải chao đảo vì những những vất vả trong cuộc sống đó đã từng ôm tôi vào lòng cho tôi cảm nhận sự ấm áp của tình cha, cảm giác được quan tâm chia sẻ và thấy rằng mình là một người quan trọng bởi bố hay nói với chúng tôi rằng: “Con là một phần ba gia tài của bố mẹ đấy”. Trước mỗi kì thi đặc biệt hay bắt đầu một việc gì bố luôn cầm chặt tay tôi để gọn trong đôi bàn tay sương gió, rắn rỏi của mình và dặn, chỉ một câu thôi nhưng với tôi nó như một bảo bối luôn được gì giữ trọn vẹn trong tim mình: “Chúc con lên đường bình an Luôn luôn chân cứng đá mềm”.
Bố tôi vốn kiệm lời, nói ít nhưng làm nhiều. Bố lúc nào cũng điềm tĩnh, suy tư trong im lặng. Sự im lặng của bố như ngầm đồng tình với tất cả những gì mà mẹ đã dạy cho chúng tôi.
Tôi nhớ có một lần chính tôi gặp phải những bất công trắc trở trong công việc, trong cuộc sống và tôi chán nản. Lúc đó, tưởng chừng tôi có thể buông xuôi mọi việc, giơ cờ trắng và buông súng đầu hàng trước số phận…
Nhưng rồi ngay lập tức, mẹ lên đường vượt gần 100 cây số đến bên tôi và an ủi động viên kịp lúc. Ánh mắt mẹ như giục giã, thôi thúc và từng lời nói của mẹ không bao giờ tôi có thể quên: “Con ơi hãy cố gắng lên. Con đã cố hết sức đâu mà nói rằng không thể vượt qua con đường phía trước? Còn rất nhiều hoa hồng và thảm đỏ đang chờ con, đừng vì một hòn sỏi nhỏ chắn đường mà đã vội rẽ ngay sang lối khác thế. Hãy khóc nếu con muốn nhưng đừng bỏ cuộc! Can đảm lên con”.
Nghe lời mẹ và tôi đã tìm thấy “Hoa hồng và thảm đỏ” cho cuộc sống của mình. Lời mẹ dạy như một chân lý theo tôi suốt quãng đời trẻ thơ cho đến lúc dấn thân vào xã hội.
Chúng tôi lớn lên thoát li khỏi gia đình, bước chân vào xã hội với bao bộn bề lo toan, đã dành được một số thành tích nhất định để làm quà cho bố mẹ mỗi dịp về thăm nhà. Mỗi ngày anh em chúng tôi lớn lên đều ghi nhận dấu ấn nhọc nhằn của bố và sự hi sinh đến thầm lặng của mẹ. Mỗi bước đi của chúng tôi luôn có ánh mắt trìu mến đầy yêu thương của mẹ dõi theo.
Bố mẹ luôn mang đến cho chúng tôi những bài học những sự chỉ bảo cần thiết và đúng lúc.
Một ánh mắt, hai bàn tay và thế là ba cuộc đời của anh em tôi được vun đắp dựng xây. Sắp đến kỉ niệm ba mươi năm ngày cưới bố mẹ, tôi dành bài viết này như một món quà tinh thần gửi đến bố mẹ. Chúng con yêu bố mẹ!
Gửi từ email Mèo Con Alerts
Bạn thân mến!
Có những thứ hạnh phúc giản dị được nhìn qua khung cửa sổ và từ chính những điểu tưởng chừng giản đơn nhỏ nhoi đó tình yêu được nâng niu cất giữ và cứ thế lan tỏa mãi về sau. Cả hai câu chuyện hôm nay đều được trích từ tuyển tập 5 mùa yêu cuốn sách mới tái bản do blogviet.com.vn tuyển chọn. 5 mùa yêu nơi xuất phát của tình yêu gia đình - bến đỗ sau những phút giây mệt nhoài của đưởng đời, phút nhìn lại bản thân mình, những trách nhiệm với gia đình. Nhưng trên tất cả các bạn sẽ nhận ra: Tình yêu dành cho mái ấm gia đình luôn là động lực giúp bạn bước thật vững vàng trong cuộc sống đầy biến đối này.
Hạnh phúc nhìn qua khung cửa là những lời kể nhẹ nhàng nhưng chứa đựng đầy tình yêu của một cô gái dành cho cha mẹ của mình và cả người dì vẫn luôn song hành cùng cô và cha cô trong suốt những năm tháng mẹ cô qua đời
Hạnh phúc nhìn qua khung cửa
***
Căn phòng nhỏ xíu trên gác hai là thế giới của riêng tôi. Ba có ý định đó từ khi xây căn nhà này, ba muốn con gái ba có một thế giới riêng để mà mơ mộng. Ba trầm trầm ít nói thế nhưng ba rất quan tâm đến tôi. Từ khi mẹ mất, ba dành toàn bộ tình yêu thương cho tôi, con gái cưng của ba. Hai ba con trong căn nhà nhỏ thật chống chếnh và buồn. Có những đêm tôi thấy ba không ngủ mà ngồi lặng lẽ hút thuốc trên giường, nhìn ảnh mẹ chằm chằm tôi thương ba quặn lòng. Những lúc đó tôi chỉ muốn được sà vào lòng ba, được ba vuốt ve, âu yếm hay có thể làm được điều gì đó để ba không buồn nữa.
Ba vốn ít nói, từ khi mẹ mất ba càng ít nói hơn. Căn phòng của tôi có một khung cửa sổ. Ba đặt ở đó cho tôi một bàn học nho nhỏ. Từ đó tôi có thể nhìn ra con phố nhỏ có hàng bằng lăng tím ngắt mỗi khi hè về. Tôi thích nhất là mỗi sáng từ khung cửa ấy nhìn xuống sân, thấy ba tập thể dục và tưới cây. Những lúc ấy trông ba mới thư thả làm sao. Tôi thấy yêu khung cảnh này vô cùng. Ba khuyên tôi nên tạo cho mình thói quen dậy sớm và đọc sách mỗi sáng, học bài khi đó rất hiệu quả. Lúc ấy tôi có thể nghe thấy âm thanh của ngày mới, tiếng xe, tiếng người qua lại…
Tôi lớn lên, rồi tôi vào đại học. Một mình ba lẻ bóng. Tôi thương ba vô cùng, mẹ mất đã lâu mà ba không chịu đi bước nữa. Tôi giục ba, ba lại ngước nhìn ảnh mẹ, đôi mắt ba buồn mênh mang. Ngày giỗ mẹ năm tôi lên trường nhập học, ba con tôi làm cơm cúng mẹ, mời mẹ về chia vui cùng ba con tôi. Khách mời chẳng có ai ngoài cô Thuỷ, đồng nghiệp cùng trường với mẹ, cũng là người bạn thân nhất của gia đình tôi từ khi mẹ còn sống. Cô Thuỷ ít hơn mẹ vài tuổi nhưng không hiểu sao đến tận bây giờ cô vẫn chưa lấy chồng. Mỗi lần cô đến chơi, tôi vẫn thường có ý vun vào cho ba nhưng ba thường lảng tránh. Ba bảo “ba sợ con sẽ khổ, như thế ba thấy có lỗi với mẹ con khi không mang lại hạnh phúc cho con”. Tôi bảo với ba là con lớn rồi, ba đừng lo cho con, con chỉ sợ ba không có người chăm lo như thế con không yên tâm. “Con đừng nói thế, có tội với mẹ con đấy”. “Không, con tin là mẹ sẽ hiểu và thông cảm cho ba con mình mà ba”.
Ngày giỗ mẹ, trước bàn thờ mẹ tôi đã cầu xin mẹ phù hộ cho tôi và ba, tôi cũng xin mẹ cho để ba có người chăm sóc khi tôi đi học xa, có như thế tôi mới thấy yên tâm để học hành. Trước khi đi tôi cũng nhờ cô thường xuyên sang trò chuyện với ba để ba đỡ buồn. Tôi đi, tôi về thường xuyên, bởi tôi biết tính ba ít khi muốn làm phiền người khác. Một ngày tôi về, thấy ba và cô Thuỷ đón tôi, tôi nhận thấy niền hân hoan trong mắt họ. Nhất là ba, tôi thấy ba linh hoạt hẳn lên, khuôn mặt tươi tắn, ba hay cười hơn. Một bữa cơm nhỏ được làm để ra mắt mẹ. Trong lòng tôi cũng hơi buồn, nhìn lên ảnh mẹ tôi nghĩ chắc mẹ cũng sẽ vui thôi khi tôi vun vào hạnh phúc cho ba.
Buổi sáng thức dậy. Nắng ùa vào khung cửa sổ, tôi đứng tựa đầu vào thành cửa nhìn xuống thấy ba. Tôi thấy mẹ đang đứng cạnh ba, hai người đang trò chuyện buổi sáng. Họ ngước lên nhìn tôi, tôi thấy ba mỉm cười. Tôi giật mình tỉnh lại, không phải là mẹ, mà là dì Thuỷ, dì cũng cười với tôi “Dậy rồi hả con?” Tự nhiên, nước mắt tôi ướt nhoè. Tôi vui hay tôi buồn? Tự nhiên tôi thấy lòng mình buồn buồn. Có lẽ là tôi vui với hạnh phúc mới của ba.
Tôi bận ít về nhà hơn, học hành thi cử… Thỉnh thoảng tôi tạt qua nhà ở với ba và dì một vài hôm rồi lại đi. Tôi biết dì rất tốt, dì lại không có con nên dì coi tôi như con đẻ. Tôi cũng thương dì thật lòng, nhưng không hiểu sao mỗi sáng, đứng trên gác hai nhìn qua khung cửa thấy ba và dì tôi lại nhớ mẹ quay quắt, tôi cứ ngỡ đó là mẹ mình.
Niềm hạnh phúc được chia đều cho tất cả mọi người nhưng dường như đến phần ba và dì hơi ít. Hai người về sống với nhau không được bao lâu thì ba mắc bệnh và qua đời. Tôi thấy nỗi đau hiển hiện trong ánh mắt, tâm hồn dì. Tôi thấy thương dì vô hạn. Hai chiếc bóng đơn lẻ tựa vào nhau để mà sống. Dì muốn trở về căn nhà trước kia dì đã sống nhưng tôi muốn dì ở lại đây, và coi đây như ngôi nhà chính thức của dì. Lại một mình dì trong căn nhà vắng với ảnh ba và má tôi. Tôi về, thấy dì đứng trên căn gác, phòng tôi, nơi có khung cửa sổ nhìn xuống sân, thẳng ra cổng, nơi có những chậu cây hàng ngày ba vẫn chăm sóc. Chắc dì không biết được rằng, chính từ nơi ấy tôi đã nhìn thấy hạnh phúc ngập tràn trong nhà tôi, khi tôi có mẹ, và cả khi có dì nữa. Khi đó tôi thấy gia đình thật bình yên, một cái gì đó rất đơn giản thôi nhưng tôi có thể gọi được tên nó đó là hạnh phúc.
Rồi dì cũng rời xa tôi, căn nhà vẫn còn đó, rêu phong và cổ kính hơn trước thời gian. Vẫn khung cửa sổ ấy nơi tôi thường đứng. Tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm, đọc sách và lắng nghe âm thanh của cuộc sống. Tiếng xe cộ, tiếng người hỏi thăm nhau khi đi tập thể dục buổi sáng về. Và tôi vẫn đứng tựa đầu và khung cửa nhìn xuống sân ngỡ như ba vẫn còn đây, chỉ một lát nữa thôi là ba sẽ bước ra cửa, tập bài thể dục quen thuộc và lại chăm cho hàng cây cảnh trước sân. Nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh. Khung cửa bình yên của tôi còn đó nhưng ba má và cả dì đều đã rời xa tôi. Và tôi biết ở nơi xa xôi ấy mọi người đều đang nghĩ về tôi, dõi theo con đường tôi đang đi. Bởi một điều đơn giản, họ là những người yêu thương nhất trong trái tim tôi.
Gửi từ email Nguyễn Thị Thu Hà
Blog Radio chuyển thể từ email của Mèo Con Alerts và Nguyễn Thị Thu Hà
Mỗi con người giá trị bằng chính bản thân mình.
Ngạn ngữ Nga