Những mùa thu đi qua - Tặng những mong manh…
Tôi đến với cuộc đời này thế nào nhỉ?
Chỉ biết rằng đó là một ngày thu đầy gió, nắng vàng trải hút tầm mắt và giữa con phố chằng chịt người. Hình ảnh đầu tiên lưu trong võng mạc tôi là những tia nắng nhảy múa, những đám mây xốp bông gối êm dịu trên nền trời xanh trong vắt. Thế nên tôi tồn tại với cái tên rất lạ: Trong. Mẹ nói với tôi thế, lúc tôi vừa tròn mười tám. Và đó cũng là điều cuối cùng đọng trên khóe môi mẹ… Mẹ mỉm cười và ra đi. Ngày ấy tôi chẳng rỉ được giọt nước mắt nào. “Tại sao phải khóc hả tôi?” – tôi đã vặn thắt lòng mình bằng câu hỏi ấy. Và hiển nhiên tôi trở thành đứa bị lên án trong mắt những người viếng thăm. Mà nếu nhớ không nhầm thì cái đám ma ấy lớn lắm. Đoàn người cứ dài đằng đẵng chờ đến lượt, bất kể ngày đêm. Mẹ tôi là một giáo viên xuất sắc có bằng khen danh dự treo đầy ở nhà mà lại. “Cô giáo nhân hậu lắm”,”cô giáo từng giúp rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn” vân vân và vân vân những điều tốt đẹp, tôi được nghe trong cái đám ấy. Nhưng nghe bao nhiêu, đáy lòng tôi càng nhói lên câu hỏi: “tại sao phải khóc hả tôi?” bấy nhiêu. Một đứa bị vứt bỏ sau ngày chào đời một tháng, tồn tại và lớn lên với thân phận mồ côi, đến năm mười tám mới biết mẹ mình là ai. Và lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng được thốt ra tiếng “mẹ”. Thì tôi phải mang trong mình cảm giác thế nào về sự ra đi ấy? Xin lỗi, tôi đã khóc bao đêm để mơ về một người mẹ không đủ tài chính nuôi tôi, chứ không phải một người có tất cả nhưng bỏ rơi tôi.
Chôn cất mẹ xong, tôi quay về trại trẻ và ít tuần sau đó, mang vác hành lý qua thành phố khác học đại học. Số tiền nhà nước chu cấp và một ít từ các mẹ nuôi ở trại trẻ, vừa đủ để tôi trang trải các khoản sinh hoạt, sách vở và thuê một phòng trọ đôi. Tôi ở cùng Khiết, bạn học cùng trường, cùng khóa nhưng khác khoa. Cô ấy là con nhà giàu nhưng rất ít khi ra vẻ, tốt tính và rất nhanh nhẹn, đảm đang. Có lẽ nhờ cái tính ấy mà cô có khá nhiều bạn, mọi lứa tuổi, mọi nơi. Khiết thường xuyên rủ bạn về phòng và trổ tài nấu nướng. Lúc đầu tôi còn hăm hở phụ giúp nhưng sau một thời gian, tôi mất hết hứng và đâm ra chán ghét cái lối sống rộng rãi của Khiết. Cô hào phóng chi ra những khoản tiền lớn để chiêu đãi bạn bè, trong khi tôi phải chật vật mới xoay đủ một số tiền nhỏ cho hàng tá việc. Sự chênh lệch quá lớn giữa tôi và Khiết làm tôi dần tránh xa, và đôi khi là cau có với cô. Còn Khiết, cô sống lạc quan đến độ chẳng hề nhận ra điều ấy. Cô vẫn chia sẻ với tôi mọi điều diễn ra bên mình. Dưới cái nhìn của cô, mọi thứ dường như đều ngăn nắp và hạnh phúc. Sâu trong mình, tôi luôn muốn bảo vệ trái tim tinh khiết mà cô ấy đang nắm giữ. Bởi tôi biết nó vô giá và là thứ mà tôi không thể có được trong cuộc đời này.
Rồi vào tháng mười, năm ba đại học, Khiết thông báo cô đang yêu một người thật lòng. Mùa thu năm ấy, vẫn lá vàng rơi xào xạc cả con phố, vẫn những cơn gió đánh mình trong bản giao hưởng dịu dàng, vẫn bầu trời trong xanh đến vắt cạn những nỗi buồn, tôi cảm thấy nó sẽ không bình yên nữa…
Tôi biết thế nào là một trái tim không lành lặn, và cũng biết nó sẽ ngốn rất nhiều thời gian để chữa lành, nhưng lại không biết khuyên can Khiết ra sao khi cô lao vào tình yêu đơn phương. Cô yêu Tú, một người mà qua giọng tả của cô tôi tạm phác họa là cao, bảnh trai và giỏi. Vài thông tin rò rỉ từ đám bạn trong lớp, tôi biết thêm Tú du học từ Úc về làm trợ giảng từ đầu hè, và anh chỉ nán lại một năm để làm giấy tờ, thủ tục cho chuyến du học thạc sĩ tiếp theo tại Anh. Tú đã nhiều lần ghé phòng trọ của chúng tôi, hiển nhiên theo dạng khách của Khiết. Hầu hết những lần đó tôi đều vắng mặt. Theo thói quen tách mình ra khỏi những góc sống ồn ào của Khiết, tôi cặm cụi đọc sách tại thư viện hoặc ra công viên gần trường, nằm dài trên bãi cỏ xanh mềm mại và ngắm nhìn vài đám mây trôi vô định.
Một hôm, tôi đang ôn bài cho kì thi sắp đến, Khiết gọi về giọng khẩn khoản nhờ tôi lấy hộ cuốn sách từ Tú, cô bận vùi đầu vào mớ slide thuyết trình cho ngày mai. Tôi mở sẵn cửa rồi tiếp tục ôn bài, vì ghét phải chờ đợi. “Khiết nó bận rồi anh à, anh cứ để tạm trên giá sách ấy” – tôi lên tiếng khi nghe tiếng động trong phòng, và mãi tập trung vào bài toán biến đổi dài nhoằng. Rồi yên tâm khi nghe tiếng bước chân ra khỏi phòng.
Lát sau, ba tiếng gõ cửa đều đều chói vào tai tôi. Tưởng Khiết, tôi ngẩng mặt cười xòa: “anh Tú về rồi. Sách trê…”. Chưa dứt câu, tôi tắt tiếng nhìn trân trân vào anh chàng trước mặt, có vè ngoài giông giống Tú, theo cách tôi tưởng tượng.
-Anh là Tú? – tôi tự phá toang cái ngơ ngác của mình.
-Ừ…
-Vậy còn người khi nãy?...
Thôi chết! Chưa đợi anh trả lời, tôi phát hoảng thật sự. Chạy vội đến cái cặp để hờ… Chiếc ví trống trơn nằm phất phưởng ở ngoài!
Tất cả đều mất, điện thoại và tiền sinh hoạt trong tháng tới, quan trọng hơn hết là học phí khóa anh văn giao tiếp mà tôi tích góp hơn bốn tháng lương làm thêm. Tôi bủn rủn chân tay, ngồi bệt xuống nền, nước mắt ứa ra. Cái cảm giác mình không may mắn trong cuộc đời này lại ùa về và tới tấp dội thẳng vào mặt. Vị đăng đắng từ từ lan ra khắp nơi trong cơ thể... Vài phút sau, tôi đứng dậy toang đi rửa mặt thì thấy Tú ngồi trên ghế. Tôi khựng lại, đưa tay chùi vội nước mắt. Anh nhìn tôi thấu hiểu rồi từ tốn an ủi:
-Cuộc sống có lúc thế này và có lúc thế khác, em đừng đặt nặng quá những mất mát. Cứ nghĩ cái gì đến lúc ra đi rồi thì có cố giữ cũng không được.
-Cuộc sống của em hầu như là thế này anh à. – nói rồi, tôi cười tươi rói, cái cách che đậy cảm xúc thường trực nơi tôi.
Anh nhíu mày khó hiểu, vài giây sau giãn ra cười hiền:
- Thế này có nghĩa là luôn luôn tin rằng mình sẽ hạnh phúc về sau hả em?
Tôi nhún vai:
-Hạnh phúc hay không phụ thuộc vào việc mình chọn sống huyễn hoặc hay thực tế. Em lại là đứa thực tế anh à.
-Thực tế đồng nghĩa với hành động em nhỉ. Mà thường thì hành động đi đôi với việc biết cách tìm kiếm hạnh phúc. – anh cười nhẹ hèo.
Tôi luyên huyên với anh mãi về mấy vấn đề xoay đâu cũng có kẽ hở ấy, thấy lòng dần nhẹ bâng. Đến khi tôi ổn thật sự, trời đã chập choạng tối. Màn đêm buông xuống êm ả, không khí hơi chủng lại và vài giọt sương đêm loáng thoáng xuất hiện. Anh đề nghị đèo tôi đi ăn tối, tôi vui vẻ ngồi sau. Cảm giác xô bồ, những nỗi buồn lũ lượt bỏ đi, nhường chỗ cho bình yên tìm đến…
Sau hôm ấy, anh nhận nhiều lời mời dịch sách từ các nhà xuất bản, mà trước kia từ chối. Rồi tống những trang sách tiếng anh dày đặc chữ cho tôi, áp lực khá nặng nhưng tiền công thì vô cùng hậu hĩnh nên tôi cũng cố. Công việc làm tôi và anh gặp nhau thường xuyên hơn nên đâm thân hơn. Những quyển sách đầu, nhìn tôi dịch anh tức đanh đách vì phải dịch lại tận hai phần ba quyển. Các quyển sau, tôi dịch khá hơn thì anh bắt đầu nhìn tôi cười mãn nguyện. Chắc tại vì thích nụ cười ấy nên tôi luôn cố gắng rất nhiều trong từng quyển sách. Cảm giác bên anh thật bình yên và nếu được tôi muốn kéo dài ra thêm nữa…
Trong trường bắt đầu rộ lên tiếng đồn về tôi và anh, vài ánh mắt soi mói đổ dồn về phía tôi, và chi chít từ “mồ côi cha mẹ” được nhắc đến. Tôi không mấy bận tâm, có lẽ vì đã quen từ nhỏ - nghĩ điều ấy làm tôi cười thắt lòng, đôi khi nhớ đến mẹ. Đã hơn ba năm rồi, mọi oán trách đều như gió và đã tan vào đâu đó khi nào tôi cũng chẳng biết nữa…
Dạo đó Khiết hay về khuya, có hôm cô ngủ lại nhà bạn. Gặp tôi cô cũng chẳng nói năng gì nhiều ngoài “chào”, “goodbye” hay vài từ đại loại như “vẫn ổn”, “không có gì thay đổi”… Tôi biết lý do nhưng vì thói quen giữ mọi thứ trong lòng nên tình bạn cứ vơi dần ra. Mãi đến một ngày mưa to, Khiết về phòng rồi vồn vã gói gém hết tất cả vật dụng, ôm tôi và thủ thỉ rằng cô sẽ sang Anh du học. Tôi đằm mình, nước mắt vỡ ra. Đúng như linh tính, mùa thu này không còn bình yên nữa. Trái tim Khiết đã hoen đau, nhưng cô vẫn chọn cách cao thượng là để tất cả lại phía sau. Cô đi, Tú siết nhẹ tay tôi “như thế tốt hơn”.
Khi sắc trời lại vào thu, trời rắc từng màn mưa mỏng nhẹ bện sánh vào không gian. Tôi về giỗ mẹ. Tú bảo anh cũng ghé nhà một thời gian, thu xếp ổn thỏa mọi việc để chuẩn bị cho chuyến du học kế tiếp.
Cuộc sống cứ lăn những vòng xe thật trọn vẹn...
-Tú, đây là con riêng của mẹ. – dượng tôi nhíu đôi mày pha màu thời gian hướng về phía tôi.
Tôi và anh chết lặng…
Bốn năm trước, anh không mua vé kịp nên lỡ tang lễ. Bốn năm nay, tôi chưa bao giờ trở lại nơi này.
Vì sợ anh bị tổn thương mà mẹ đã cho tôi một tuổi thơ trải dài những cô độc…
Luôn nhắm tới sự hài hòa tuyệt đối giữa tư tưởng, lời nói và hành động. Luôn luôn nhắm tới sự trong sạch trong tư tưởng và mọi thứ sẽ tốt đẹp.
Always aim at complete harmony of thought and word and deed. Always aim at purifying your thoughts and everything will be well.
Mahatma Gandhi