Thầy Tăng Tử, nói với Đức Khổng Tử rằng:
- Tôi biết thầy có ba điều hay. Tôi học mãi mà chưa làm được!
Khổng Tử hỏi:
- Ba điều gì?
Tăng Tử đáp:
- Thứ nhất. Thầy thấy người ta có được một điều phải, mà quên cả trăm điều trái của người ta. Thế là thầy dễ tính. Thứ hai. Thầy thấy người có điều gì phải, thì vui vẻ như là mình có. Thế là thầy không ghen tị. Thứ ba. Thầy nghe thấy điều gì phải. Nhất quyết làm rồi mới nói sau. Thế là thầy chịu khó. Tôi học mãi ba điều ấy của thầy, mà chưa có thể làm được!
Khổng Tử nghe nói. Cả cười mà rằng:
- Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu đần. Công lao to hơn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung. Sức khỏe hơn đời nên giữ bằng tính nhút nhát. Giàu có bốn biển nên giữ bằng thói nhún nhường. Tựu trung những gì ngươi muốn học, đều nằm ngay chỗ đó. Chứ thực chẳng có gì lạ lẫm lắm đâu!
Khổng Miệt, là cháu của Khổng Tử. Nghe thế, mới hỏi rằng:
- Thưa thầy! Có thể vì lòng... nhân từ, mà thầy nói rõ được chăng?
Khổng Tử đáp:
- Lấy một điều phải mà quên trăm điều trái. Thế là có bụng khoan dung người ta, lại có ý gây cho người làm nên điều phải. Thấy người làm phải, cũng vui như chính mình làm điều phải, thế là có lòng vô ngã, muốn giục cho người gắng làm điều phải nhiều hơn. Thấy điều phải làm ngay rồi mới nói, thế là có bụng thực làm, chớ không chỉ có một cái nói giỏi mà thôi. Ba điều này mới nghe tưởng dễ mà làm thực khó. Bởi, thói thường, người đời chỉ hay bơi xấu, ghen tị nhau. Nói giỏi mà làm càn. Cho nên mới ghét bỏ nhau. Lừa dối nhau. Hãm hại nhau. Đưa nhau đến chỗ tử vong mà không gỡ ra được!
Bật Tử Tiện, là học trò của Khổng Tử. Nghe thầy nói mới nóng ruột nóng gan, bởi cứ chất chứa thêm những điều hơi lạ, nên tự thâm tâm bỗng thấy buồn thấy chán. Thấy cõi ta bà lắm chuyện... cái gì đâu. Thấy ở dương gian rối tung đời với đạo, nên trong phút chốc bỗng thấy lòng trống vắng, khi thấy tình thầy lắm đục lại ít trong. Hết cơn bão ni kéo tràn cơn lốc nọ, nên chốn tâm tư cứ tràn lên thôi thúc, mới lủi thủi ra ngoài suy nghĩ tự mình ên:
- Từ ngày theo thầy đến nay. Ta đi đã vẹt cả chục đôi giày cỏ, nhưng tự lương tâm chẳng thấy thầy làm chi hết ráo, mà chỉ nhậu tràn nói chuyện sống lành ngay, thì có nói đến bao niên cũng chẳng nhằm nhò chi hết cả. Mà giả như thầy khó khăn hay xét lời xét lối - ắt chẳng ma nào vui nhậu với thầy đâu - bởi bá tánh trăm thân, thân nào mà chẳng tội, thành thử thầy quên phứt cho dễ bề dễ tính. Dễ được tiếng thương người dễ có chữ bao dung. Dễ để tiếng trăm năm, dễ có người ngưỡng mộ. Chớ thực ra chẳng có ai đụng chạm thầy chi hết ráo - bởi Tiền và Quyền - thầy chẳng có một ly, thì muốn nói... quên luôn cũng đáng chi mà thầy phải sợ. Đó là chưa nói vì một điều phải mà quên cả trăm điều trái, thì hại quá chừng chừng chớ có phải dễ tính mẹ gì đâu, bởi cái... tha nhân tưởng ngon nên không cần phải học, để cái nết hay được đổ xô tràn vào tâm trí, thì mới mong ngày hoàn thiện với người ta. Mới mong buổi... mất đi có nhiều người khóc bạo. Chớ cái tính xấu mà không rèn không uốn, hẳn sẽ có ngày hối hận với lòng tâm. Sẽ đến lúc tiếc than thì đã muộn.
Đã vậy thầy lại còn tào lao thiên tướng, khi nhận cái phải của người như là cái phải của mình đây - thì dẫu đến muôn Thu - thầy cũng sẽ không bao giờ có được, bởi muốn cái hay thì phải gồng phải cố. Phải thắng cả chính mình thắng cả cái lòng ganh. Thắng cái hư danh thắng luôn điều nhỏ mọn. Mà giả như thầy cứ thích làm tràn đi chăng nữa, thì có khác gì muốn... họ với người ngon. Muốn cái cao sang bắt quàng vào làm... tộc. Chớ tự thâm tâm thầy chẳng mài chi hết ráo, thì biết chừng nào mới có được cây kim? Mới thấy công lao của bao ngày khổ nhọc?
Phần Tăng Tử nghe trong lòng khoan khoái, khi giữa chốn đông người nói được mấy lời hay. Nói tới nói lui đều khen thầy ráo nạo, khiến chốn thâm sâu bỗng bùng lên sung sướng, khi hậu vận sáng ngời không khỏi dính điều may. Dính tới chức quan của bao giờ mong đợi, thành thử tim gan cứ trồi lên rơi xuống, nên... đã quá chừng mới nghĩ thật mông lung:
- Nước chảy đá mòn. Lời ngon ngọt dễ dòn lỗ nhĩ. Câu nói đó ngàn năm ta ghi nhớ, đặng áp dụng cho đời bớt khổ bớt sầu lo. Bớt đi sự ghét ghen bớt thêm thằng khó chịu. Chỉ là thế nhân thằng nào cũng như thằng nấy. Cũng khoái sự khen tràn khen bạo tới tầng mây. Cũng khoái nói cái ưu chớ mấy ai thích nghe điều khuyết, tật, thành ra nhân chi sơ tính... ưa nịnh nó nằm ngay chỗ đó - nên dẫu là thầy - thì ngọt ngào là cái phải đầu tiên. Là cái thước đo của tấm lòng trung hậu. Chớ cứ đi theo mà chẳng khen điều chi hết ráo, thì dẫu cả đời, cũng chẳng bao giờ thầy biết đến được đâu!
Tối hôm ấy Tăng Tử về nhà. Vừa đi vừa hát, khiến Tăng thị vội vàng lúp xúp chạy ra, bởi hổng hiểu sao cái... lang quân tối này hơi lạ, mà mặt mũi lên màu - màu tươi roi rói - thì chẳng phải rượu nồng thúc ép tỏ lộ ra. Chẳng phải tí hơi men đã làm ra như dzậy, nên lúc đụng nhau đã ào lên hỏi tới, cho thỏa tấm lòng thắc mắc chợt trào dâng:
- Lang quân đi chuyến này về. Chắc gặp điều phấn chấn. Có thể vì chút tình nồng, mà chia đều với thiếp được chăng?
Tăng Tử liền nắm tay vợ. Vừa đi vừa nói:
- Nước không tin tất tiêu. Người không lẽ tất chết. Của không nghĩa tất mất. Tướng không mạnh tất thua. Người không biết nịnh, tất chẳng làm nên... cái gì cả. Lẽ trời đất xưa nay thường ra vẫn thế! Ta là người, thì cũng cứ thế mà theo!
Tăng thị như trên trời rơi xuống, bởi hổng hiểu chồng mình ám chỉ cái gì đây, mà nói lung tung không ra điều... có học. Đã vậy miệng cười cười như vào cơn hứng thú - khiến Tăng thị vội vàng đưa trán thử, rờ qua - đặng xét xem đức lang quân có gì không được? Hay lặn lội nơi xa khiến người thêm đau ốm, mới nói um sùm chẳng thấy tí đầu đuôi, nên tự chốn tâm can đã bùng lên hãi sợ, rồi trong lúc với chồng đi vào trong vách lá, mới nát cả lòng mà nghĩ tựa như ri:
- Huynh đệ như thủ túc. Phu thê như y phục. Câu nói đó ngàn năm vẫn đúng. Dẫu tự đáy tâm hồn ta chẳng khoái một ly, nhưng nghĩ hết cách vẫn không sao mà thoát được, thành thử chữ Phu thê cứ ngày qua là héo úa. Là lụi dần dần theo nhịp của thời gian. Là chẳng ngon chi khi sắc hương tàn theo vài... cuốn lịch. Chớ thuở đời nay chồng chi mà chán ngắt. Xa cả tháng ròng hổng đặng nghía mặt nhau, mà chẳng thấy trông mong thấy nhớ nhung gì hết cả. Đó là chưa nói đi xa về chẳng quà chi hết ráo. Lại lảm nhảm cái gì như thể... bóng đồng lên, thì dẫu thương hung ta cũng chẳng ham gì nữa được.
Thôi thì cứ làm thinh như không màng không biết, rồi hãy âm thầm khăn gói để mà đi. Chớ hông thể sống chung với người không... tỉnh mộng, rồi sẽ đến lúc tiếc đời xuân qua chóng, mà chẳng có gì gởi lại, để ngày mai. Chẳng có chi ấm áp thân thương nhiều túi mật, thì cõi dương gian quả buồn lên mắt biếc. Quả tủi cho mình sớm gặp những điều đau. Quả cháy tâm can cháy luôn từng khúc ruột. Chứ phận nữ nhi chỉ cần... nâng khăn sửa túi - mà sửa túi người thường - chớ dại gì sửa đứa hổng lành ngay!
Chừng một hôm, Khổng Tử tới đất Tiết, mới triệu các môn sinh đến mà dạy rằng:
- Người quân tử có ba điều vui. Tuy cho làm vua cả thiên hạ là sướng, mà cũng không thể kể vào trong ba điều vui ấy được. Thứ nhất. Cha mẹ còn sống, Anh em bình yên, là một điều đáng vui. Thứ hai. Ngửa lên không tủi thẹn với trời, Cúi xuống không xấu hổ với người. Ấy là hai điều đáng vui. Thứ ba. Tìm được những bậc anh tài trong thiên hạ mà dạy dỗ. Gầy dựng cho ra người. Đó là ba điều đáng vui của người quân tử!
Lúc ấy, thầy Tăng Tử mới nói rằng:
- Lời vàng ngọc của thầy có những điều chưa rõ. Dám mong thầy giải nghĩa được chăng?
Khổng Tử đưa tay vuốt râu, rồi mới đáp rằng:
- Xử trong gia đình, Trên thì cha mẹ còn mạnh khỏe để ta hết lòng phụng dưỡng. Dưới thì anh em hòa thuận để ta được hết đạo hữu ái. Thật là cái cảnh khó được mà ta được, thì còn gì vui hơn nữa? Xử với thân mình, mà tu dưỡng đến việc gì cũng có thể. Trên tỏ cho Trời biết được. Dưới đối với người nói được. Thân thể nhẹ nhàng. Tâm thần khoan khoái, thì còn gì vui hơn nữa? Xử với xã hội, mà tuyển được những bậc anh tài, để có nhiều người truyền đạo cho thiên hạ, hầu hậu thế được nhờ, thì cũng còn gì vui hơn nữa?
Ba cái vui này. Hai cái thuộc về gia đình và bản thân. Một cái về thiên hạ hậu thế, là ba cái vui về tinh thần. Nghĩa là vui bên trong. Chính là cái vui thực vậy. Chớ còn cái vui bên ngoài, thì dù cho đem đến niềm vui cả một nước. So với cái vui kia, cũng không sao bằng được!
Bật Tử Tiện nghe qua, mới thầm nghĩ rằng:
- Cha mẹ còn sống. Anh em bình yên, thì ai cũng biết đó là điều đáng vui. Cần chi phải là người quân tử? Còn ngửa lên không xấu hổ với trời. Cúi xuống không hổ thẹn với người, thì lẽ tất nhiên, thế nhân phải làm theo như rứa. Chớ cần chi phải là người quân tử mới biết đặng điều hay? Còn tìm được những bậc anh tài trong thiên hạ mà dạy dỗ. Gầy dựng cho ra người mới là... trớt hướt, bởi đã anh tài thì cần dạy dỗ làm chi? Bởi đã quá ngon cơm, thì còn xắn dzô làm chi cho mệt? Đó là chưa nói mình tự cao cho người thấp kém - nên mới lên... đồng đòi dạy dỗ người ta - thì thiệt là chưa thấy áo quan chưa thèm ra giọt lệ!
Mà nói hổng phải chứ người yếu kém gầy nên danh tướng, mới bảnh mới tài mới đáng mặt hùng anh. Mới đáng tấm gương soi cho đời sau học tập. Chớ cứ một hai kiếm người ngon hết biết - rồi vỗ ngực xưng tài - thì có được cái mụ nội gì đâu? Bởi như đám theo voi kiếm vài cây mía dập. Thế mới biết quân tử chẳng nhằm chi hết ráo, mà chỉ cần sáng dạ với lòng ngay. Chỉ có cái tâm trong, là đủ sức sống hùng sống mạnh. Chớ cứ dựa vô quân tử để làm mưa làm gió. Làm tấm phông màn phủ lấp cái tà tâm. Làm cái hoa văn để che mắt người đương đại - thì quân tử xét ra chẳng bằng hàng tôm cá - lăn giữa chợ đời kiếm vội cái... bình vôi!
Không thầy đố mày làm nên.
Tục ngữ Việt Nam