Năm nào tôi cũng lang thang đón giao thừa ngoài phố, dạo chơi đã đời rồi về xông nhà với một chút lộc xuân. Phố phường tấp nập ngược xuôi, dòng xe cộ hối hả, người lo về chuẩn bị bày biện mâm cỗ cúng trung thiên sau khi đã nhín chút thời gian đi ngắm phố, nửa còn lại đa phần là giới trẻ như tôi, đổ ra đường và ùn ùn kéo về khu trung tâm thành phố ngắm pháo hoa giao thừa.
“Mua nốt giúp chị đi em trai, mấy đứa nhỏ ở nhà mong mẹ quá!”. Tiếng rao hàng của chị bán bóng bay làm tôi giật mình quay lại. Không phải người phụ nữ đó, dù cũng là tiếng rao này, cũng hai trái bóng còn sót lại trên tay.
Ừ thì ở thành phố này, biết bao con người còn phải mưu sinh trong cái rét đêm ba mươi và ở nhà lũ nhỏ trông ngóng mẹ cha trong căn nhà củi lửa lạnh tanh. Dù vậy, tôi cũng mua nốt cho chị hai trái bóng, mặc cho tôi cũng chẳng biết sẽ làm gì với chúng, hệt như năm năm trước đây.
***
Năm năm trước, tôi cầm hai trái bóng đứng giữa quảng trường Nhà hát lớn - một thằng con trai hai mươi mốt tuổi lộc ngộc còn cầm bóng bay trong khi không đi cùng một đứa nhóc nào, kỳ quái làm sao. Tôi quyết định rẽ vào nhà dì cho cu Bin, chắc giờ này cu cậu đang buồn lắm vì đúng lúc ngoài phố vui nhất thì bố mẹ lại bắt về đón giao thừa ở nhà.
Mười một giờ, con phố nhỏ chỉ cách điểm bắn pháo hoa 2km mà bớt ồn ào đi hẳn. Đang rảo bước thật nhanh thì có một cái bóng chạy từ trong nhà ra túm tôi lại:
- Cho mua một trái bóng đi anh.
Chết thật, trông tôi đâu có giống anh chàng bán bong bóng dạo, nhưng hình như cô bạn này chẳng chút quan tâm. Cô bạn đang lấy tiền trả tôi, một tay còn dính nguyên màu xôi gấc quẹt khẽ tóc mái lòa xòa trên trán, miệng xuýt xoa: “Chà, may mà gặp anh, năm nào em cũng phải hớt hải chạy ra bờ hồ mua bóng, ở nhà nhiều việc quá, sát giờ vẫn chưa chuẩn bị xong nữa…”
- Hì, anh có bán bóng bay đâu em. Nhưng thôi, cứ cầm lấy một trái đi, tiền nong gì.
- Hic, xin lỗi anh nhé, em vội quá nên… - Em bối rối giây lát, toan cầm lấy trái bóng, rồi lại rụt tay lại, cười bướng bỉnh:
- Anh không lấy tiền thì xui lắm, mất linh.
- Vậy bữa nào em đãi anh một chầu kem xôi là được chứ gì. Em học trường Kinh tế đúng không? (Chả là tôi thấy áo khoác thể thao em mặc có logo của trường tôi.)
Nói xong tôi mới thấy mình bạo mồm hết sức. Sau vài câu hỏi chớp nhoáng làm quen hay đúng hơn là để ‘check’ xem tôi có đúng là sinh viên khóa trên hay không, em cho tôi số điện thoại.
Tôi kịp đến nhà cu Bin cho trái bóng, kịp trở lại xem pháo hoa, và kịp nhớ số điện thoại của em. Chầu kem xôi giữa cái lạnh của mấy ngày sau Tết đánh dấu khởi đầu cho một tình bạn và giúp tôi hiểu thói quen của em mỗi thời khắc chuyển giao sang năm mới.
Một năm sau đó, tôi chủ động mua trái bóng đến nhà rủ em đi chơi giao thừa. Chúng tôi cùng ghi những điều ước vào mảnh giấy, dĩ nhiên là mỗi người đều giữ bí mật, buộc vào đuôi trái bóng và thả tung giữa bầu trời đang đỏ rực pháo hoa.
Tôi vốn chẳng bao giờ tin vào câu chuyện bóng bay thần kỳ như kiểu trong truyện Doremon đọc hồi lớp bốn, nhưng bây giờ lại thấy nó thật là thú vị. Điều ước duy nhất trong mảnh giấy năm trước đã trở thành hiện thực, em là bạn gái của tôi.
Giao thừa thứ ba của chúng tôi không suôn sẻ. Trái bóng bị gió tạt mắc vào tán cây bàng góc phố, tôi phải trèo lên cây và khéo léo lắm mới có thể gỡ nó ra mà không làm bể, dưới gốc cây em có vẻ lo lắng không vui, con gái hay cả nghĩ mà. Tôi không chắc có phải vì trái bóng nhẹ hơn do không vướng mảnh giấy không, vì năm đó chúng tôi quyết định sẽ thầm ước trong đầu chứ không viết ra điều ước nữa.
Hè năm đó em ra trường, còn tôi đã tốt nghiệp được một năm. Vốn giỏi ngoại ngữ, em vào làm cho một quỹ học bổng của nước ngoài, công việc nhiều thuận lợi. Tôi lặn ngụp qua nhiều công ty tư nhân nho nhỏ, nay đây mai đó. Công việc kéo chúng tôi ra xa nhiều lắm, tôi tự hỏi do bận bịu, do khoảng cách hay do suy nghĩ trong đầu đã xa nhau, do rung cảm con tim đã không còn xốn xang như trong khúc giao mùa năm ấy. Chúng tôi bắt đầu tranh luận, rồi cãi nhau, giận hờn - không phải kiểu giận hờn vu vơ học trò.
Năm thứ tư, chúng tôi vẫn tay trong tay dạo phố đêm ba mươi, bàn tay em nắm chặt lấy tay tôi, vẫn ấm áp, mềm mại như vậy, nhưng đôi lúc nó khẽ run lên. Ra Tết em sẽ đi du học. Em ngập ngừng như không muốn ước. Còn tôi thấy trái bóng trong tay sao nặng trĩu, dù nó chẳng ghị xuống một chút xíu lực nào.
Chợt nhớ lại giao thừa năm ngoái, tôi hiểu rằng chính mình sẽ phải gỡ những ràng buộc để em được bay xa, tôi không thể là một tán bàng không thấp nhưng cũng chẳng đủ cao, và một năm cũng chỉ che bóng cho em được hai mùa không rụng lá. Tôi khẽ buông tay, trái bóng bay mãi về phía xa, và tôi thì chẳng ước điều gì. Tiếng pháo hoa lụp bụp suốt mười lăm phút đồng hồ im lặng giữa chúng tôi.
Tôi trở lại đi chơi giao thừa một mình. Tôi không mua bóng bay, không đi qua con phố có nhà em, em cũng không còn ở đó. Giao thừa năm ngoái của tôi là một mình ngồi dưới mái hiên tầng hai một quán café gần Nhà hát lớn, mở điện thoại chơi Facebook, chúc tụng bạn bè tùm lum.
Dòng trạng thái của em làm tim tôi thắt lại bởi kỷ niệm sao quá gần còn em thì quá xa tôi: “Lúc này ở nhà là giao thừa rồi, ở đây bọn mình làm mai đào giả thật y chang, bánh chưng cũng rất ngon dù không được xanh lắm. Nam hỏi mình còn thấy thiếu gì không, uhm, giao thừa ở đây chỉ thiếu một trái bóng bay. Cả bọn cười nghiêng ngả chọc mình, từ bao giờ bóng bay lại thành hương vị Tết…”
***
Năm đêm giao thừa chạy trong đầu tôi vừa dứt khi chuông đồng hồ điểm mười một giờ, đã đến giờ tôi hẹn với Ban Mai - cô bạn gái mới quen luôn miệng “chê” tôi là “ông già” kém lãng mạn. Tôi chẳng thể cho hai trái bóng này cho cu Bin được nữa, cu cậu đã lớn bổng và học đến lớp mười rồi. Bất giác, tôi muốn được dõi theo trái bóng và mơ ước như ngày xưa, tôi thèm cảm giác hồi hộp và đầy tin tưởng khi năm mới ùa về trong tiếng pháo hoa và sắc đỏ.
Tôi tránh những con phố lớn để kịp giờ hẹn, bước chân run rủi tôi bước qua cửa nhà em. Tôi biết em đang ở trong nhà, và lại đang tất bật giúp mẹ như mọi năm. Có lẽ Nam cũng đang ở đó. Tôi buộc vội một trái bóng vào cổng nhà em, bước thật nhanh để em không nhìn thấy. Hẳn em sẽ reo vui vì không phải tất tả chạy ra bờ hồ mua bóng, lại được thả bóng bay, lại ước những điều tốt đẹp và đáng yêu.
Tôi không được nhìn thấy em vui, nhưng tôi sẽ thấy nụ cười hồn nhiên và tinh nghịch ở Mai, vờ như té xỉu vì ông già đột nhiên biết… “bày trò lãng mạn”.
Vậy mà tôi không ước, những gì tôi muốn lúc này đều “linh nghiệm” cả rồi. Chúc em hạnh phúc bên Nam, và tôi sẽ giữ lấy trái bóng hạnh phúc của riêng mình.
Cuộc sống giống tiểu thuyết hơn là tiểu thuyết giống cuộc sống.
Life resembles a novel more often than novels resemble life.
George Sand