Old school Swatch Watches

Xin được gọi đó là tình yêu

Một cảm giác Phi không thể gọi tên nhưng nếu được phép gọi tên thì Phi nghĩ đó là tình yêu. Cậu vẫn nhớ cảm giác xao xuyến khi lần

Một cảm giác Phi không thể gọi tên nhưng nếu được phép gọi tên thì Phi nghĩ đó là tình yêu. Cậu vẫn nhớ cảm giác xao xuyến khi lần đầu tiên nhìn thấy nụ cười trong và mát của Trinh.



Thầy giáo chủ nhiệm dẫn một "nhân" lạ đến lớp 12A3 - đó là Nghi Trinh với điệu bộ… dân bụi đời. Nó thật chẳng xứng với cái tên mĩ miều như thế. Một mái tóc tém cụt lủn và một hình xăm ngay sau gáy, không đồng phục, đó là hình ảnh đầu tiên khi nó bước vào lớp của những nam thanh nữ tú này. Khi nó bước xuống chỗ ngồi, thầy chủ nhiệm thở dài, nhưng nó không bận tâm vì nó là con của người đã bỏ tiền ra xây dựng ngôi trường này. Chẳng ai nói nó là một tiểu thư con nhà giàu, bố mẹ làm chức to,... có khi ra đường người ta muốn gọi 113 gô cổ nó lại vì nó quá láo xược. Cũng vì nó là con của ông to nên đương nhiên đó là lời giải thích cho những trò chẳng giống người của nó. Và đó cũng là lý do cho việc biến những cái lườm thật dài thành những nụ cười đầy thiện ý của đám nữ sinh trong lớp. Và chính những cái đó tạo nên một dấu hỏi to đùng của cư dân trong trường về cô tiểu thư con ông chủ ngôi trường hiện đại bậc nhất thành phố.



Tất nhiên là Nghi Trinh muốn ngồi ở góc cuối lớp và thầy chủ nhiệm đồng ý. Một bạn nữ phải chuyển đi chỗ mới nhường chỗ cho nó, cạnh nó không ai khác là lớp trưởng Minh Phi. Và khi đi ngang qua chỗ của lớp trưởng, Nghi Trinh làm một động tác khiến ai ai cũng mắt trố lên là ôm Minh Phi như một lời chào ở phương Tây. Bất ngờ đến không thể phản xạ kịp, Minh Phi cũng vỗ vai như thể một kịch bản đã được viết sẵn và để che giấu sự ngượng ngùng. Tiết đầu tiên Nghi Trinh ngủ, tiết thứ hai nó vẽ, tiết thứ ba nó vẽ. Reng! Reng! Tiếng chuông hết giờ học. Vụt ngang qua bàn đầu tiên, Trinh cắp sách chạy tót ra cổng trường leo lên chiếc xế khủng của một gã thanh niên xăm trổ đầy mình.



***



Cùng chung quan điểm với cả lớp Minh Phi cũng chẳng để ý nhiều đến học sinh cá biệt ấy nếu như thầy hiệu trưởng không kêu hắn lên để nhờ một chuyện. Thầy có vẻ rào trước đón sau với câu chuyện tế nhị và chắc chắn đó là một điều khó nói. Nguyên văn lời thầy hiệu trưởng là: "Không một ai sinh ra có quyền chọn lựa cho mình những gì hoàn hảo, thầy tin là em biết điều đó. Nghi Trinh cũng thế và thầy hi vọng em giúp bạn ấy tìm đến những điều tốt đẹp của cuộc sống. Thầy rất tin tưởng ở em.” và kèm một cái vỗ vai như đặt cả niềm tin vào đó. Cậu hiểu cần phải làm gì, nhưng chuyện gì đang xảy ra? Cũng từ đó cậu để mắt tới cô bạn lập dị cùng bàn. Điều lạ ở Trinh là cô đi học rất sớm, có thể nói là sớm nhất trường. Cuối góc lớp cô bạn vẫn đang ngủ say sưa, mái tóc tém có một vài sợi để dài lập sập dưới hàng lông mi cong vút. Một cơn gió đầu mùa ngang qua cửa sổ khiến Trinh lạnh, cô co vai vào chút nữa, đúng lúc Phi lên tiếng:



-Ê! Người lạ.



Trinh khẽ nhíu đôi lông mày như một dấu chấm hỏi cho câu chào của Phi.



-Gần đến cuộc họp phụ huynh rồi đấy, nếu ấy còn ăn mặc thế kia đến lớp thì điểm số của cả lớp sẽ giảm và khi đó người bị nêu tên là bố mẹ cậu đó.

-Thì sao??? Trinh trợn ngược mắt và nhún vai như thách thức.

-Thì chịu chứ làm sao. Chàng lớp trưởng đành nói cùn rồi đi làm vệ sinh lớp và trả khoảng không lại cho cô nàng.



Buổi họp phụ huynh lớp, bố của Nghi Trinh cũng đến tham dự. Một vài vị phụ huynh lên tiếng vì có một học sinh cá biệt ngay trong lớp học có nhiều học sinh gương mẫu. Hôm đó Phi cũng có mặt và mẹ của Trang - lớp phó học tập là người chỉ trích gay gắt nhất. Không khí trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, bố của Trinh chỉ biết lặng lẽ cúi đầu và nhìn thầy giáo chủ nhiệm như để cầu cứu. Bỗng cuối lớp Minh Phi đứng lên xin phép được phát biểu:



-Thưa thầy, thưa các bác cháu là lớp trưởng, cháu xin lỗi vì chưa nhắc nhở Nghi Trinh về nội quy trường lớp. Bạn ấy chỉ mới đi học được hai buổi thôi ạ!



Không khí khi ấy mới tạm lắng xuống nhưng Phi lại nhận được một cái nhìn sắc lạnh của Trang vì lời chống chế vô căn cứ và hàm ý bênh vực Trinh. Cuối buổi họp bố Nghi Trinh đến cám ơn Phi và nhờ cậu quan tâm đến cô ấy nhiều hơn nữa. Một khuôn mặt hiền lành của người cha và Phi cũng cảm nhận được tình thương của bác ấy dành cho Nghi Trinh. Cậu lại càng tò mò hơn vì sao Nghi Trinh lại như thế khi được sinh ra trong một gia đình danh giá.



-Này! Cậu định chơi trội với con nhỏ quái dị đó sao? Trang tiến lại gần Phi khi bố của Nghi Trinh vừa đi khỏi.

-Tớ không hiểu cậu định nói gì? Bỏ mặc sự tức giận ra mặt của Trang, Phi lạnh lùng bước đi.



***



Minh Phi tự tin với chính mình rằng sẽ thuyết phục được cô bạn cùng bàn thay đổi và chiến dịch “thay đổi một con người” của cậu bắt đầu. Tất nhiên là bằng tình cảm chân thành và trách nhiệm cao cả mà thầy hiệu trưởng đã giao cho và cậu thấy thực sự thú vị với việc này.



Nhưng kế hoạch của cậu chưa kịp đến đích đã bị sụp đổ vì lí do là cô nàng quá… máu lạnh. Một cái bánh mì chia đôi mà cậu đã chuẩn bị từ sáng sớm để đến trường thật sớm nhưng nhận lại là một nụ cười hờ hững: “Cám ơn! Không ăn bánh mì.”. Một bộ vở mới toanh với những họa tiết cực bắt mắt và rất hợp gu với cô nàng ngổ ngáo nhưng cô nàng thích giấy vẽ hơn. Những điều đó là bước đầu để thay đổi một con người nhưng tan tành rồi, rất may là không phải tan tành tất cả. Một điều lạ, Trinh không cảm thấy phiền vì sự có mặt của Minh Phi và cô cũng bất ngờ vì điều đó. Bình thường cô không muốn ai đó léo nhéo bên tai cô. Đó là tia hi vọng cho cuộc cách mạng của anh chàng lớp trưởng điển trai.



Cậu thôi không còn nhắc nhở chuyện học, hay phải mặc đồng phục đến lớp của Trinh nữa mà thay vào đó cậu muốn làm bạn với những bức vẽ của Trinh. Vì cậu cảm nhận được rằng chỉ khi vẽ cô bạn này là hiền nhất. “Tớ thấy màu này sẽ đẹp hơn.”, “Nét này mảnh đi một chút nữa sẽ thoáng hơn.”,… đi từ ngạc nhiên, đến lắng nghe và chia sẻ đó là chặng đường mà Phi đã đạt được. Cô bạn không còn quá lạnh lùng và cũng có thể đã đến lúc cô cần cho mình một người bạn, nhưng cô vẫn ngủ và vẽ, điểm thi đua của lớp vẫn bị tụt xuống vì những bộ đồ của Trinh. Và ai đó độc miệng lại nói rằng cô đã lo lót từ A – Z khi điểm số bài kiểm tra của Trinh vẫn cao chót vót. Những buổi đến lớp sớm lại có thêm một nhân nữa… Trinh đến sớm nhất, Minh Phi đến thứ nhì và sau đó là Trang. Nghi Trinh không quan tâm đến Minh Phi đang cố “chăm” cô và Trang thì lại ghét điều đó.



Rất muốn có một kế hoạch “change and change” thật cụ thể và chi tiết thì phải “biết người biết ta” đã. Vậy là Phi quyết định sẽ có một chuyến thăm bất ngờ cho cô bạn lập dị. Đi qua con đường của những ngôi biệt thự nơi sống của những người thuộc tầng lớp thượng lưu, Minh Phi phải choáng ngợp trước vẻ lộng lẫy của những ngôi nhà triệu đô.



-Choang! Biến đi đồ con hoang!

-Bà cũng chỉ là một vật thế thân thôi, không hơn không kém đâu!



Một cô bé mặc quần jean rách rưới và một áo pull chạy ra khỏi cổng với một đôi mắt sưng húp đầy nước mắt. Sững sờ vì đó là Trinh, cô tiểu thư ngổ ngáo của ông chủ trường mình mà. Trinh chạy hút sau khúc quanh thì người đàn bà kia cũng bước ra định nói thêm điều gì đó nhưng không kịp. Phi đuổi theo Trinh nhưng chỉ dám đi đằng sau cô, đến một góc khuất khi đó cô ôm mặt và khóc nấc lên. Đằng xa Phi dõi theo từng cử chỉ của Trinh lúng túng tự hỏi: “Mình nên làm gì?”. Phải một lúc rất lâu Phi mới dám tiến lại gần nhưng chỉ ngồi cạnh nhìn Trinh khóc. Dường như những tủi hờn của Trinh vẫn chưa nguôi đi chút nào, cô ngồi khóc mà không hề hay biết Phi ngồi bên. Chỉ đến khi cô giật bắn mình ngước lên nhìn, rồi vùng dậy bỏ đi. Nhưng Phi đã kịp nắm lấy cổ tay cô…



-Cậu đi đâu? Phi biết rằng hiện tại cô sẽ không về ngôi nhà đó và rất có thể cô lại leo lên chiếc xe của người đàn ông xăm trổ đầy mình mà lần trước cậu đã thấy.



Dường như câu hỏi của Phi cũng trùng với ý nghĩ hiện tại của Trinh nên cô đứng như trời trồng, Phi vẫn nắm chặt tay cô, như tỉnh cơn mê, cô ngồi xuống cạnh Phi, không khóc nữa.



-Về nhà tớ hôm nay đi! Phi lên tiếng phá tan không khí im lặng đã khá lâu.

-Không! Trinh cương quyết từ chối.

-Không sao đâu! Mẹ tớ là người rất hiền, không để ý cậu ăn mặc thế nào đâu mà lo.



Rồi cũng Trinh ngoan ngoãn đi theo Phi như một bản năng và như thể bây giờ cô không về nhà Phi thì cô chẳng còn nơi nào để đi. Nhà Phi chỉ có hai mẹ con vì bố cậu đã mất từ khi còn rất nhỏ. Mẹ của cậu thực sự là rất hiền và cho Trinh một cảm giác, cái cảm giác của một gia đình hạnh phúc khiến Trinh vui đến nỗi cô quên mình là khách. Và cô lại khóc khi được ngủ chung với mẹ Phi, được mặc bộ quần áo của mẹ Phi làm cô hạnh phúc vô bờ bến. Phi không hề ngạc nhiên khi nhận được cuộc điện thoại của bố Trinh, ông không mang Trinh về ngay mà nhờ cậu chăm sóc cô mấy hôm.



Buổi sáng Trinh dậy thật sớm cùng mẹ Phi chuẩn bị bữa sáng, đó là lần đầu tiên cậu nhìn thấy nụ cười của Trinh, trong và rất mát.



***



-Mốt mới của năm nay chăng? Trang cất tiếng khiêu khích khi bắt gặp Phi chở Trinh đến trường.

-Mày muốn gì? Trinh định nhảy xổ vào Trang nhưng Phi kịp ngăn lại.



Bỏ mặc đằng sau ánh mắt như muốn đâm thủng hai người của Trang, hai người đi cạnh nhau và tay Phi không hề rời khỏi tay Trinh một giây nào. Lớp học hôm nay dường như được thắp lên bởi hàng ngàn, hàng triệu những hạt ánh sáng vì có sự tươi tỉnh nơi gương mặt Trinh và có sự vui vẻ của anh chàng lớp trưởng. Vào chỗ ngồi quen thuộc, Phi chìa ra cho Trinh một tập giấy vẽ kèm một nụ cười thật tươi. Bức tranh tuyệt đẹp về một bầu trời trong vắt và có một đôi bạn trẻ đang ngước nhìn chính là sự đáp trả mà Trinh muốn dành tặng cho Phi. Được sống trong một gia đình thực sự là niềm hạnh phúc của Trinh.



Một tuần với thật nhiều nụ cười, thật nhiều cảm xúc, nhưng niềm vui ấy chẳng được bao lâu. Những ánh mắt khác lạ đổ dồn vào Phi và Trinh kèm theo những tiếng xì xầm, lờ mờ nhận ra chuyện không hay khi đi qua từng hàng ghế. Một bản lý lịch của Trinh được ai đó đánh máy cẩn thận, một câu chuyện về đứa con ngoài giá thú của ông chủ ngôi trường với một gái làng chơi, đứa bé đó được nhận về ở biệt thự sang trọng khi mẹ cô qua đời vì bệnh ung thư, rồi bị hắt hủi bởi người đàn bà là vợ chính thức… Không sai một chi tiết, sững sờ, run sợ và cả nước mắt là việc Trinh làm lúc đó. Phi giật tờ giấy đó xé vụn và đỡ Trinh ra khỏi lớp và lẽ dĩ nhiên không quên ném một ánh mắt căm giận khi bước qua bàn của Trang.



Quá khứ đau buồn, những lời nhiếc móc, những ánh mắt khinh bỉ,... tất cả khiến Trinh gục ngã. Trinh không đến lớp, cái vỏ bọc lâu nay cô tạo nên dường như không còn tác dụng nữa. Hai ngày sau bố Trinh đón Trinh về đưa cô ấy sang Úc với hy vọng những vết thương trong cô sẽ liền sẹo ở một môi trường mới. Mẹ Phi ôm cô rồi vỗ về khiến cho Trinh không thể cầm được nước mắt. Vẫy tay chào Trinh, Phi cũng len lén nhìn lên trời để giấu đi giọt nước mắt đang chực trào ra.



***

Sau sự việc ấy Trang bị thầy hiệu trưởng phạt điểm kiểm và không còn ai chơi với cô nàng là những gì cô nàng xứng đáng được nhận. Còn Phi, dù là khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng với cậu, Trinh thật gần gũi thân quen như những người bạn rất rất lâu rồi. Thiếu những câu nói xấc xược, không được ngắm những bức vẽ của cô làm Phi thấy buồn. Một cảm giác Phi không thể gọi tên nhưng nếu được phép gọi tên thì Phi nghĩ đó là tình yêu. Cậu vẫn nhớ cảm giác xao xuyến khi lần đầi tiên nhìn thấy nụ cười trong và mát của Trinh. Cậu vẫn muốn là cậu chứ không ai khác bảo vệ cô khi cô gặp khó khăn. Cậu không muốn Trinh thay đổi nhưng nếu vì cậu mà cô ấy thay đổi thì chắc là cậu sẽ hạnh phúc biết bao.



Đang miên man trong dòng hồi tưởng thì bàn tay cậu chạm phải những tờ giấy vẽ của Trinh còn dưới ngăn bàn và cậu say sưa ngắm nhìn. Những bức tranh là chuỗi những câu chuyện Trinh muốn kể tựa hồ như những hi vọng của Trinh đã gửi gắm vào đó. Và bức vẽ hai người đang ngắm nhìn khoảng trời trong xanh làm cậu như bừng sáng. Một suất học bổng Úc là điều mà Phi nghĩ ngay đến khi nhìn những bức tranh của cô bạn… Và ngày gặp lại đang rất rất gần, Trinh ạ!


2016-11-24 02:49
   
Để Lại Nhận Xét
   
Hãy luôn nhớ rằng bạn không chỉ có quyền làm một cá nhân, bạn có nghĩa vụ làm điều đó.
Remember always that you not only have the right to be an individual, you have an obligation to be one.
Eleanor Roosevelt

Xin được gọi đó là tình yêu,

Ngẫu Nhiên