1. Văn học Việt Nam: Vợ chồng A Phủ; Vợ nhặt; Rừng xà nu; Những đứa con trong gia đình; Chiếc thuyền ngoài xa; Một người Hà Nội..
2. Văn học nước ngoài: Thuốc, Số phận con người, Ông già và biển cả.
Câu 1:
a. Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài):
- Số phận và cảnh ngộ của con người: Số phận bi thảm của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức, bóc lột của bọn phong kiến trước cách mạng một cổ đôi ba tròng xiết chặt: thực dân Pháp, chế độ phong kiến (thống lí Pá Tra), những quan niệm mê tín dị doan và những hủ tục xa xưa.
- Tư tưởng nhân đạo của tác phẩm: Ngợi ca sức sống tiềm tàng của con người và con đường họ tự giải phóng, đi theo cách mạng.
b. Vợ nhặt (Kim Lân):
- Số phận và cảnh ngộ của con người: Đặt nhân vật vào tình cảnh thê thảm của người dân lao động trong nạn đói 1945, tác giải đã dựng lên không khí tối tăm, ảm đạm bao trùm xóm ngụ cư, những người nông dân nghèo khổ, thậm chí là dân ngụ cư, gặp nhau trong tình huống truyện oái oăm: "vợ nhặt".
- Tư tưởng nhân đạo của tác phẩm:
+ Đi sâu lí giải, phân tích hiện thực bằng cái nhìn vừa đau xót, vừa căm giận.
+ Ngợi ca tình người cao đẹp, khát vọng sống, hạnh phúc và hi vọng vào một tương lai tươi sáng.
Câu 2: Về hình tượng nhân vật của hai truyện ngắn:
a. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trước tiên thể hiện ở những nhân vật mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, từ đau thương trỗi dậy để chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược:
- Họ đều là những người con được sinh ra từ truyền thống bất khuất của gia đình, của quê hương, của dân tộc:
+ Tnú là người con của làng Xô Man, nơi từng người dân đều hướng về cách mạng, bảo vệ cán bộ "Đảng còn thì núi nước này còn" - Lời cụ Mết. (Rừng xà nu)
+ Chiến và Việt sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nứơc, căm thù giặc: Cha là cán bộ cách mạng, má là người phụ nữ Nam bộ kiên cường trong đấu tranh, hai con tiếp nối lí tưởng của cha mẹ. (Những đứa con trong gia đình)
- Họ đã chịu nhiều đau thương, mất mát do kẻ thù gây ra, tiêu biểu cho đau thương mất mát của cả dân tộc:
+ Tnú chứng kiến cảnh vợ con bị kẻ thù tra tấn đến chết, bản thân bị giặc đốt mười đầu ngón tay.
+ Chiến và Việt chứng kiến cái chết của ba má: ba bị chặt đầu, má chết vì đạn giặc.
--> Những đau thương đó hun đúc tinh thần chiến đấu, lòng căm thù giặc sâu sắc của con người Việt Nam.
- Họ đều mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, là những con người Việt Nam kiên trung trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm:
+ Tnú từ nhỏ đã gan dạ, đi liên lạc bị giặc bắt được, tra tấn dã man vẫn không khai. Anh vượt ngục trở về, lại là người lãnh đạo thanh niên làng Xô Man chống giặc, bị đốt mười ngón tay vẫn không kêu rên trước mặt kẻ thù Ở Tnú toát lên vẻ đẹp của người anh hùng trong sử thi Tây Nguyên và vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại chống Mĩ.
+ Việt bị thương trong trận đánh lại lạc mất đơn vị, vẫn chắc tay súng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Đối với chị, Việt ngây thơ, nhỏ bé. Còn trước kẻ thù, Việt vụt lớn lên, chững chạc trong tư thế người anh hùng.
--> Chủ nghĩa anh hùng cách mạng không chỉ thể hiện ở từng nhân vật, mà còn thể hiện ở tập thể nhân vật anh hùng, và mỗi nhân vật đều tượng trưng cho phẩm chất của cả cộng đồng: Cụ Mết, Mai, Dít, Heng trong "Rừng xà nu"; ba, má, chú Năm trong "Những đứa con trong gia đình". Họ đều là những con người yêu quê hương đất nước, gắn bó với buôn làng, với gia đình, với người thân yêu. Tình yêu tổ quốc của họ bắt đầu từ những tình cảm bình dị đó, cho nên nó càng bền bỉ, càng có sức mạnh lớn lao khiến kẻ thù phải run sợ.
b. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn thể hiện ở sức sống bất diệt của con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu ác liệt:
+ Dân làng Xô Man như rừng cây xà nu mặc dù "Trong rừng hàng vạn cây, không cây nào không bị thương", nhưng vẫn "ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng", một cây ngã xuống thì bốn năm cây con mọc lên. Mai hi sinh thì Dít vươn lên thay thế, Heng như cây xà nu non hứa hẹn trở thành cây xà nu cường tráng tiếp nối cha anh. Tầng tầng, lớp lớp những người dân Xô Man Tây Nguyên tiếp nối đứng lên kiên cường chiến đấu với quân thù để bảo vệ quê hương đất nước mình.
+ Ông nội bị giặc giết, cha của Chiến và Việt trở thành cán bộ Việt Minh, cha bị giết hại dã man, má Việt tiếp tục nuôi con và chiến đấu, đến khi má ngã xuống thì anh em Chiến và Việt lại tiếp nối con đường chiến đấu, thực hiện lí tưởng của gia đình, và trong dòng sông truyền thống của gia đình, họ là khúc sông sau nên hứa hẹn đi xa hơn cả thế hệ trước.
--> Sự tiếp nối và kế thừa đó đã làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam thời chống Mĩ, là sức sống bất diệt giúp họ vượt qua bao đau thương do kẻ thù gây ra để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng.
c. Về chất sử thi trong hai truyện ngắn: Góp phần thể hiện thành công chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Nghệ thuật sử thi đòi hỏi tác phẩm tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của đất nước; phản ánh được chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng.
+ Đề tài: cuộc chiến đấu của dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược.
+ Chủ đề: ngợi ca phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.
+ Nhân vật chính: Là những con người tiêu biểu cho cộng đồng về lí tưởng và phẩm chất, nhân danh cộng đồng mà chiến đấu hi sinh.
+ Giọng văn: ngợi ca, thấm đẫm cảm hứng lãng mạn cách mạng.
--> Hai truyện ngắn là hai bản anh hùng ca thời đại đánh Mĩ.
Câu 3:
Tình huống truyện "Chiếc thuyền ngoài xa":
Tình huống truyện trong "Chiếc thuyền ngoài xa" được xây dựng qua việc phát hiện ra những nghịch lí của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh săn tìm cái đẹp ở ngoài bãi biển và ở toà án huyện.
- Ở ngoài bãi biển:
+ Nghệ sĩ Phùng đã phát hiện ra một cảnh đẹp trời cho trên một vẻ đẹp mờ sương, mặt biển mà cả đời bấm máy anh chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần: hình ảnh chiếc thuyền lướt vó nhạt nhoà trong làn sương mù màu trắng buổi bình minh… Phát hiện ấy khiến người nghệ sĩ cảm thấy sung sướng hạnh phúc, tưởng tâm hồn mình được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi, bắt gặp các tận Thiện, tận Mĩ.
+ Nhưng ngay sau đó, người nghệ sĩ lại phát hiện ra một sự thực trớ trêu và đầy nghịch lí như trò đùa quái ác của cuộc sống. Anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí mệt mỏi và cam chịu, một lão đàn ông thô kệch dữ dằn độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách giải toả những ấm ức khổ đau. Phùng cay đắng nhận thấy: hoá ra đằng sau cái vẻ đẹp thơ mộng của "chiếc thuyền ngoài xa" trên biển sớm mờ sương lại là một sự thực tàn nhẫn của bi kịch gia đình. Đằng sau cái vẻ đẹp ấy mới là sự thực của cuộc đời. Cái vẻ đẹp bên ngoài ấy nhiều khi thường đánh lừa ta như vậy.
- Trong toà án huyện là nghịch lí: người đàn bà hang chài van xin để toà cho chị được sống cùng người chồng vũ phu. Câu chuyện về cuộc đời chị đã giúp cho nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu "ngộ" ra được những chân lí sâu sắc, éo le của cuộc đời.
Ý nghĩa tình huống truyện:
- Giúp nhà văn gửi gắm những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật: cái bên ngoài chưa hẳn là bản chất thật bên trong, nhiều khi còn đối lập với phẩm chất bên trong, không phải bao giờ cái Đẹp cũng thống nhất với cái Thiện, vì thế, cần phải có cái nhìn đa chiều sâu sắc, cảm thông với cuộc sống và con người. Thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật về trách nhiệm người nghệ sĩ: Không nên tách rời nghệ thuật với cuộc đời, cần phải rút ngắn khoảng cách giữa cuộc đời và nghệ thuật; nghệ sĩ không được nhìn cuộc đời bằng con mắt đơn giản, dễ dãi, phải có tấm lòng, có can đảm, và biết trăn trở về con người.
- Tình huống truyện góp phần làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm:
+ Giá trị hiện thực: Cuộc sống đói nghèo lạc hậu tăm tối là nguyên nhân dẫn tới nạn bạo hành gia đình. Cuộc chiến đấu bảo vệ quyền sống của cả dân tộc trải qua bao hi sinh gian khổ nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống của từng con người còn đầy cam go, lâu dài, cần có sự quan tâm của cách mạng, của cộng đồng.
+ Giá trị nhân đạo: Sự chia sẻ cảm thông của tác giả với những số phận đau khổ tủi nhục của những người lao động vô danh đông đảo trong xã hội. Lên án, đấu tranh với cái xấu, cái ác vẫn còn tồn tại trong từng gia đình. Phát hiện, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động.
Câu 4: Ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"
- Cuộc sống của con người thật quý giá, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình muốn và theo đuổi còn quý giá hơn. Cuộc sống hỉ thực dự có ý nghĩa khi người ta được sống tự nhiên với sự hài hòa giửa tâm hồn và thể xác. Không thể đem lắp những mảng ghép khập khiễng hòng tạo nên những giá trị đích thực của cuộc sống.
- Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
Câu 5: Số phận con người (M. Sô-lô-khốp):
- Nghệ thuật:
+ Miêu tả sâu sắc, tinh tế nội tâm và diễn biến tâm trạng nhân vật.
+ Lời kể chuyện giản dị, sinh động, giàu sức hấp dẫn và lôi cuốn.
+ Nhiều đoạn trữ tình ngoại đề gây xúc động mạnh cho người đọc.
- Ý nghĩa đoạn trích:
+ Con người bằng ý chí và nghị lực, lòng nhân ái và niềm tin vào tương lai, cần và có thể vượt qua những mất mát do chiến tranh và bi kịch của số phận.
+ Cảm thông, chia sẻ với những đau thương mất mát - di chứng của chiến tranh, cùng những khó khăn trong cuộc mưu sinh thường nhật của họ.
+ Lên án bão tố của chiến tranh phi nghĩa và sức mạnh phũ phàng của nó.
+ Nói lên những khát vọng thầm kín mãnh liệt, tin tưởng vào nghị lực, ý chí vươn lên làm chủ số phận của con người.
Câu 6: Thuốc (Lỗ Tấn):
- Nghệ thuật:
+ Cốt truyện đơn giản nhưng hàm súc.
+ Hình ảnh, ngôn từ giàu tính biểu tượng.
+ Lối dẫn truyện nhẹ nhàng, tự nhiên mà sâu sắc, lôi cuốn.
- Truyện ngắn Thuốc phê phán căn bệnh gia trưởng, lạc hậu, u mê trầm kha của người Trung Quốc thời bấy giờ. Đồng thời phê phán sự lạc hậu về mặt chính trị của người dân Trung Quốc và căn bệnh xa rời quần chúng của người cách mạng Trung Quốc.
- Ý nghĩa truyện Thuốc:
+ Người Trung Quốc cần có một thứ thuốc để chữa trị tận gốc căn bệnh mê muội về tinh thần.
+ Nhân dân không nên "ngủ say trong cái nhà hộp bằng sắt".
+ Người cách mạng không nên "bôn ba trong chốn quạnh hiu" mà phải bám sát quần chúng để vận động, giác ngộ họ.
Câu 7: Ông già và biển cả (Ơ. Hê-minh-uê):
Ý nghĩa biểu tượng trong tác phẩm:
- Ông lão và con cá kiếm. Hai hình tượng mang một vẻ đẹp song song tương đồng trong một tình huống căng thẳng đối lập.
- Ông lão tượng trưng cho vẻ đẹp của con người trong việc theo đuổi ước mơ giản dị nhưng rất to lớn của đời mình:
+ Ông lão ngư phủ lành nghề, một mình đơn độc trong cuộc chiến dũng cảm và mưu trí thực hiện ước mơ bắt bằng được con cá lớn của đời mình.
+ Cảm nhận của ông lão về "đối thủ" - con cá kiếm - không hề thù hằn mà ngược lại, ông gần như cảm kích và chiêm ngưỡng, thậm chí pha lẫn niềm tiếc nuối nếu phải giết nó. Đây cũng là điểm làm nên vẻ đẹp hình tượng của ông lão.
- Con cá kiếm là đại diện cho tính chất kiêu hùng, vĩ đại của tự nhiên:
+ Khi bị mắc phải lưỡi câu của ông lão, nó không lặn xuống để nhấn chìm con thuyền, không vùng vẫy để thoát ra mà kéo ông lão ra khơi, chấp nhận một cuộc đấu sức với ông lão.
+ Những vòng lượn của nó, những cố gắng cuối cùng nhưng hết sức mãnh liệt của con cá đó chứng tỏ sự dũng cảm kiên cường không kém gì đối thủ của nó.
+ Con cá kiếm chính là hình ảnh lí tưởng, của ước mơ mà mỗi người theo đuổi trong cuộc đời.
+ Sự khác biệt giữa hình ảnh đẹp đẽ cuối cùng của con cá khi chưa bị chiếm lĩnh mang một ý nghĩa riêng, phải chăng đó là hình ảnh chuyển từ ước mơ sang hiện thực - nó không còn xa với và khó nắm bắt và cũng chính vì nó không còn đẹp đẽ, huy hoàng như trước nữa.
- Trong mối quan hệ phức tạp của thiên nhiên với con người không phải lúc nào thiên nhiên cũng là kẻ thù. Con người và thiên nhiên có thể vừa là bạn, vừa là đối thủ. Con cá kiếm là biểu tượng của ước mơ vừa bình thường giản dị nhưng đồng thời cũng rất khác thường, cao cả mà con người ít nhất từng theo đuổi một lần trong đời.
Các bài soạn văn lớp 12 khác:
Lo lắng không làm cho những điều tồi tệ ngừng xẩy ra mà nó chỉ làm cho những điều tốt lành ngừng lại.
Khuyết danh