“Vào học bài!”. Nghe tiếng bố, đang chơi bóng ngoài sân con vội chạy ngay vào nhà ngồi vào bàn học. Bỗng “phụp”! Con hét lên vui sướng: “Mất điện rồi!”. Ngoài sân, tiếng em Bi: “Không phải, không mất điện”. Con vội vàng chạy ra sân, đúng là vẫn sáng vằng vặc. Ánh sáng dịu mát, dễ chịu chứ không gay gắt như mọi ngày con vẫn thấy. Bố và mẹ cùng bước ra sân, mẹ cũng ngỡ ngàng: “Hôm nay rằm”.
Cả nhà mình cùng ngồi bệt ngay ở thềm cùng tỉ tê chuyện trò. Không có quạt mà vẫn mát rười rượi vì gió từ đâu thổi tới. Mẹ kể trung thu hồi nhỏ, mẹ cùng bạn bè trong xóm cầm đèn ông sao chạy thật nhanh nhưng không sao chạy kịp ông trăng. Lâu lắm rồi mẹ cũng không nhìn thấy trăng. Còn con, trung thu con cũng đi rước đèn nhưng chưa nhìn thấy trăng bao giờ.
Bố cũng “góp chuyện” về trung thu xưa. Bà mua cho bố một chiếc đèn ông sao giá 1.000 đồng nhưng không có nến, thế mà vẫn rước được đèn chạy khắp nơi. Còn bây giờ, đồ chơi của con, cả đèn ông sao chỉ cần bật nút công tắc là sáng trưng. Nhưng đổi lại, con chẳng nhìn thấy ánh sáng của đêm răng rằm.
Lâu lắm rồi nhà mình mới có một buổi ngồi trò chuyện thế này. Ngọn gió mát rượi đã ru em Bi ngáy khò khò trong lòng mẹ từ lúc nào. Hàng ngày con sợ bố và ngại mẹ mà giờ thấy bố mẹ thật gần. Con kể cho bố mẹ chuyện thầy cô, bạn bè ở lớp. Con còn dám nói với bố mẹ bí mật “con quý bạn Hà lớp trưởng vì bạn ấy rất xinh”.
Mất điện mới nhìn thấy được trăng. Con sẽ không phải ngồi vật vờ trước bàn học, vì một ngày con đã học hai buổi ở lớp là quá đủ rồi. Bố mẹ sẽ không ngồi “ôm” lấy máy tính. Gia đình chúng ta sẽ có nhiều thời gian để trò chuyện, chia sẻ với nhau như thế này hơn.
Bố nhắc chuẩn bị có chiến dịch “Giờ trái đất”. Nhưng bố nói từ giờ mỗi tuần một lần gia đình mình sẽ tắt toàn bộ hệ thống điện. Bố mẹ sẽ không ngồi máy tính, con sẽ không phải học bài để cùng ra ngồi trước thềm như hôm nay. Những giây phút như thế chính là “giờ trái đất” của gia đình mình!
Xa thì giao thiệp, gần thì dùng vũ lực.
Viễn giao cận công.
Tôn Tử