Ðạp xe lang thang một cách vô duyên cớ qua những ngõ ngách của thị xã bé bằng bàn tay này đã trở thành thói quen của mình tự bao giờ? Ðêm tối mát mẻ, gió từ phía bờ sông thổi vào mát rượi, mơn man những cọng tóc lòa xòa trước mặt. Người đổ ra đường thật đông, thật vui vẻ thật thoải mái. Nhưng trong trăm ngàn người ngược xuôi ấy chắc chắn chẳng có ai như mình. Lặng lẽ, cô đơn, không mục đích. Vác theo cái đầu óc rỗng tuếch. Không vui cũng chẳng buồn. Thì mới hồi chiều nhỏ Duyên đã la lối mình: Việc gì phải hành xác như vậy? Chỉ có kẻ điên rồ mới thế. Mà cũng lạ thật, mình với Duyên cứ như hai mặt của một tờ giấy, không hiểu nhau nhưng lại chơi thân với nhau!
Ðạp xe chậm chậm qua bến Bạch Ðằng. Nhìn thấy rõ cây cầu nhấp nháy ánh điện phía xa xa nối liền thị xã này với mảnh đất Củ Chi. Hai địa danh khác nhau ngăn cách bởi khúc sông còn có cây cầu bắc qua nối lại. Mình và Huy thật gần mà chẳng có gì để nối cả. Huy ngày càng xa dần. Mình muốn níu kéo, chẳng ích chi. Duyên rủ: “Thứ bảy đi chơi công viên cho thư giãn đầu óc. Ðẹp phải biết”. Mình từ chối: “Bận”. “Bận gì.”. “Học.”. “Học, học, lúc nào cũng học đâu phải là cách giải quyết tốt nhất”. Nó đã lớn tiếng với mình như thế. Mình tức phát khóc nhưng không sao khóc được. Cố lấy một giọt cũng không có. Từ bao giờ mình lại khô khan đến mức không thể khóc được? Chẳng thể hiểu nổi mình sẽ sống với cái vỏ bọc lạnh lùng ấy được bao lâu?
Rồi một ngày tất cả sẽ phải khác đi. Mình đã nói với Huy như thế trong một chiều mưa bay lất phất ở cái bến Bạch Ðằng này. Huy cười: - Hạ nói thế chóng già lắm! Mình nghiêm mặt: Nói thiệt đó, cả Huy và Hạ cũng phải khác đi. Thời gian không chờ đợi bất cứ ai mà. Huy lại cười. Hình như Huy không tin vào lời nói của mình. Biết bao giờ Huy có thể lớn hơn thế. Cái vẻ trẻ con quá của Huy nhiều khi làm mình bực bội kinh khủng. Nhưng chẳng thể thay đổi được gì. Huy vẫn chưa khôn lên tí nào. Cũng như mình không bỏ được thói quen lang thang như nhiều nay. Cùng tuổi với nhau nên con gái vẫn thường lớn hơn, “già dặn” hơn con trai, ít nhất là trong suy nghĩ. Mình nghe mẹ bảo thế.
Bến Bạch Ðằng này nguồn gốc từ đâu mình không rõ. Chỉ biết rằng ở đây có rất nhiều ghế đá rất nhiều nhà hàng nổi trên khúc sông và cơ man nào là những hoa quả được bày ra bán tại đây. Ánh đèn sáng trưng, người qua lại nhiều hơn. Làm gì mà họ đổ ra đường nhiều thế không biết? Chọn cho mình cái ghế đá khuất sau lùm cây dại. Mình có cảm tưởng như có ai đó đang nhìn lén mình. Cái áo mỏng tanh cứ bay bay, gió thổi từ phía bờ sông vào phật phật. Mình thấy thấm lạnh. Từ đằng xa mình đã nhìn thấy “lão” Việt nhà ta đang cặp kè cùng một cô gái trông có vẻ bụi bụi. Quỷ thật! Thế mà trong lớp, “lão” cứ xoen xoét cái mồm là anh chưa hề yêu ai, hay anh chưa có người yêu, rồi còn thế này thế nọ. Thấy cái cười của lão sao đểu giả đến thế. Lão đã lợi dụng khoa ăn nói của mình để làm mềm lòng bao nhiêu người. Cách đây vài hôm, suýt nữa thì mình cũng đã mềm lòng trước cái cười quyến rũ ấy. Ðểu thật!
Lang thang hết ngõ ngách mới cảm thấy thị xã này bé quá và tay cầm lái có biểu hiện lệch đi. Trở về phòng với vẻ mặt nhợt nhạt, nhợt nhạt như những ánh đèn ở bến Bạch Ðằng. Duyên đang cuộn tròn trong cái mền kín mít. Mình ước ao được như nó. Nhưng cuộc sống vốn dĩ đã phức tạp, con người lại làm nó phức tạp hơn.
Tạo hóa ban cho con người bộ nhớ tuyệt vời. Tuyệt vời đến mức mình không thể hiểu nổi. Nhớ để mà quên. Quên để mà nhớ. Quên những gì không cần nhớ và nhớ những gì không thể quên. Có phải thế mà Huy không cần nhớ chính xác ngày sinh nhật của mình? Rõ ràng là hôm qua mấy nhỏ bạn đã tổ chức cho mình, vậy mà hôm nay trong khi mình vừa rời khỏi nhà thì Huy đến đưa quà. Có cần thiết phải bày vẽ như thế không? Mình không trách Huy nhưng sao cảm thấy món quà ấy nửa xa lạ, nửa như quen lắm lắm. Tự dưng thấy mình vô lý quá đáng. Soi gương coi thử mình có gì lạ không. Vẫn thế, nhưng có điều nét già nua trong tâm hồn có phần thay đổi. Muốn tát vào cái bản mặt ấy nhưng mình không đủ can đảm, sợ rằng sẽ đau đớn lắm vì những giọt nước mắt lăn dài nóng hổi. Mình sao thế nhỉ?
Chiều, mình rủ Duyên đi uống cà phê ở bến Bạch Ðằng. Nó trợn tròn mắt - Muốn hiểu sao thì hiểu. Duyên kể chuyện nhiều, huyên thuyên đủ thứ. Nào là từ bé nó sướng lắm (Duyên là người Bắc), đến việc gọt trái dứa cũng không biết, không phải đụng đến thứ gì kể cả việc bóc lá bánh chưng cũng chưa hề biết. Mẹ nó làm tuốt. Duyên than thở: Bởi vậy bây giờ tao không biết làm, mai mốt lấy chồng thì làm sao đây? Mình chí ít cũng tự hào hơn vì biết hơn nó tí xíu. Thế mà vẫn bị mẹ chê là vụng lắm. Chưa kể là những món ăn ở miền Nam có cay có đắng. Duyên chặc lưỡi: - Sao trong Nam họ ăn cay nhiều thế, ghiền cà phê thấy sợ. - Rồi sẽ quen thôi. Nếu như Duyên mà đến nhà Huy chắc phải phát hoảng vì đồ ăn cứ đỏ lừ một màu ớt. Duyên đọc cho mình nghe mấy câu thơ: “Hãy tập ăn cay đi. Ðể rồi quen với đắng. Cuộc đời đâu phẳng lặng. Mà cứ chén ngọt ngào”. Mình gật gù: Có ý nghĩa lắm. Ðược, vậy thì Duyên sẽ bị “lây” từ mình truyền qua thôi. Có điều mình không giải thích nổi, mình đến với cà phê không đường từ khi nào? Mặc dù biết cái giá phải trả cho sự ngông cuồng đó là những đêm thức trắng. Ðể rồi lên lớp học với bộ mặt sưng húp thờ thẫn... Mình lại nhận được thư của Huy. Huy kể cho mình chuyện một cô bạn tên Thủy học chung lớp mà Huy mới làm quen. Lại còn nói là hôm nào đẹp trời sẽ giới thiệu cho mình biết.
Ðến lớp. Cái đầu muốn vỡ tung ra vì mớ âm thanh hỗn độn. Bài giảng triết học của thầy giáo già với đôi kính cận vẫn không hấp dẫn hơn được. Mệt nhoài. Mình xin nghỉ hai tiết cuối. Vẫn cái vẻ mặt đa tình quá thể của Việt, hắn tỏ ra quan tâm: “Hạ sao vậy? Anh đưa Hạ về nha”. Mình không muốn phải mềm lòng trước cái nhìn sâu thẳm của hắn nhưng cũng đáp “trả lễ”: “Không sao đâu. Thầy vô lớp rồi kìa, cám ơn”. Làm như hắn nghe theo lời mình lắm thì phải. Trước khi vào lớp hắn còn cố ban tặng mình nụ cười khó hiểu. Của ban phát hình như lúc nào cũng khó hiểu thì phải?
Huy trở mình vòng quanh thị xã. Ðiểm dừng vẫn là cái ghế đá cũ sau lùm cây dại. Mình và Huy vẫn thế. Vẫn quan tâm đến nhau nhưng chưa thực sự là của nhau. Mình nói nhiều về mình. Huy nói nhiều về Huy. Tuyệt nhiên cả hai đứa chưa một lần nói gì về nhau. Ðến cái nắm tay rụt rè Huy còn chưa dám. Biết đến bao giờ Huy mới mạnh dạn hơn. Mình cố tình chọc ghẹo Huy để xem phản ứng ra sao.
- Huy có tin là có người đợi Hạ hai năm rồi, chỉ cần Hạ gật đầu.
- Thì tốt chứ sao.
Giọng mình lạc hẳn đi:
- Huy không hiểu gì hết.
Nghe Huy kể về Thủy. Huy xin lỗi và mong mình đừng cố chấp Huy quen Thủy là do những thách thức của bạn bè. Ðàn ông con trai lại hay có máu nóng. Nhưng Huy phải biết tự trọng của con trai chứ. Giá như Huy hiểu được điều ấy thì tốt biết mấy. Dù sao mình đã kịp nhận ra Huy thay đổi nhiều quá.
Huy không thoát ra được cái quỹ đạo của tình cảm. Đâm lao phải theo lao thôi. Lại còn biện hộ với mình bằng lá thư rất... trẻ con: - Chỉ tại câu nói của Hạ, Hạ đã có người đợi rồi thì Huy không làm phiền nữa đâu”. Mà thôi, Huy cũng lớn rồi. Và mình biết cần phải làm gì. Hai mươi tuổi rồi chứ đâu còn bé bỏng nữa. Nhưng tính con gái thật khó hiểu. Chưa là gì của nhau nhưng vẫn không muốn người ta thuộc về người khác. Dù biết thế nhưng mình vẫn trách Huy sao hay chấp nhặt. Chấp nhặt cả những câu nói đùa. Tự hỏi rồi tình yêu như Huy và Thủy sẽ đi tới đâu???
Giờ thì mình đã hiểu cho dù không được toàn vẹn lắm, con tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí đôi khi phải bó tay chịu thua. Ngày tháng chồng chất. Kỷ niệm cũng chồng chất. Mà con người chỉ có một trái tim.
Mình vẫn thích lang thang trong mưa ở cái chốn đầy ấp kỷ niệm này. Thiên hạ sẽ cho là mình dở hơi ư? Không, đó là cách tốt nhất để soi lại mình trong những ngày tháng cũ và kỷ niệm rêu phong. Tất cả những con đường dẫn đến bến Bạch Ðằng này mình đã đi qua một cách dễ dàng. Nhưng có một con đường mà mình không thể bước lên nó lần thứ hai, khi mà quá khứ luôn làm đau lòng hiện tại và tương lai.
Sự kiện chính trong cuộc đời là ngày mà chúng ta bắt gặp một khối óc khiến chúng ta kinh ngạc.
A chief event of life is the day in which we have encountered a mind that startled us.
Ralph Waldo Emerson